An Giang thực hiện Chính phủ điện tử

11/09/2020 - 06:22

 - Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh An Giang, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP đã có những bước đột phá quan trọng, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin.

 Nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, UBND tỉnh đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước kết nối đến các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn theo hình thức thuê dịch vụ. Tất cả các cơ quan được triển khai kết nối truy cập internet; triển khai chuyển đổi sang loại hình thuê dịch vụ phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Theo đó, 100% các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã, HĐND tỉnh và các cơ quan đoàn thể được triển khai hệ thống phần mềm gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; theo dõi được công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ, triển khai cho tất cả cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tập trung tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Hải, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã liên thông với Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; cung cấp hệ thống để công bố văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương trên cổng thông tin điện tử các cấp, công khai tại địa chỉ https://vpdt.angiang.gov.vn/cong-khai-vanban-an-giang; kết nối liên thông 4 cấp: cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã; liên thông các khối Đảng, đoàn thể khi có yêu cầu. Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm Hệ thống “Giám sát an toàn các hệ thống thông tin dùng chung tỉnh”; triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp dữ liệu động (LRIS) và triển khai tại 13 đơn vị.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với phần mềm quản lý chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường (phần mềm địa chính 1 cấp tại cấp huyện và tỉnh), Sở Kế hoạch và Đầu tư (phần mềm quản lý hộ kinh doanh cá thể); kết nối liên thông với phần mềm chuyên ngành Bộ Tư pháp (phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp), đang phối hợp thực hiện kết nối liên thông với phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm chuyên ngành Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-UBND phê duyệt khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2019, UBND tỉnh phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức hội nghị công bố khung đề án “An Giang điện tử”, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án An Giang điện tử giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương trong việc gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thông tin báo cáo, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, thủ tục hành chính, công báo điện tử... với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Tạo lập môi trường làm việc điện tử liên thông 4 cấp; tỷ lệ văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan nhà nước đạt 97%.

An Giang thực hiện họp trực tuyến với Chính Phủ và các Bộ ngành Trung ương

Theo Sở TT&TT, thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành danh mục mã định danh các cơ quan, đơn vị nhà nước tham gia kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản tỉnh.

Ngoài ra, Sở TT&TT và nhiều đơn vị cấp sở, huyện đã triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc trên môi trường mạng (phòng họp không giấy eCabinet). Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh và đã triển khai hệ thống VNPT-Meeting tại các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã phục vụ hội họp, làm việc trực tuyến. Đồng thời đang triển khai thử nghiệm giải pháp Hội nghị trực tuyến được vận hành tại địa chỉ: https://emeeting.mic.gov.vn.

Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích