Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự xã hội.
Cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh An Giang gồm 6 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và 5 trung tâm tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế cấp huyện. Hàng năm, ngân sách tỉnh phân bổ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng cho ngành y tế để mua sắm trang thiết bị y tế cho đơn vị tuyến cơ sở; bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị (khoảng 20 tỷ đồng/năm) để mua sắm trang thiết bị y tế.
Đến cuối năm 2022, đội ngũ cán bộ y tế công lập trong tỉnh có 7.379 người, trong đó 1.511 bác sĩ (35,2% bác sĩ có trình độ sau đại học), 883 dược sĩ, 895 y sĩ, 1.958 điều dưỡng, 500 hộ sinh, 281 kỹ thuật viên y. Nhân viên y tế có trình độ đại học trở lên tại cơ sở y tế công lập chiếm 34,1%. Tuyến xã có 1.263 cán bộ y tế (bình quân 1 trạm y tế xã có 8,09 cán bộ y tế); 71,1% trạm y tế xã có bác sĩ công tác, 100% có nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi; 100% khóm, ấp có nhân viên y tế hoạt động.
“Có thể nói, việc đưa cán bộ y tế tới gần dân có tác dụng to lớn, làm thay đổi quan niệm đơn giản về trạm y tế xã. Công tác y tế dự phòng được triển khai rộng rãi, khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình mục tiêu y tế đề ra. Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, cho thấy vai trò to lớn của y tế cơ sở trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa… đặc biệt là tư vấn, quản lý điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhận định.
Tuy nhiên, vẫn có độ chênh giữa tầm quan trọng của y tế cơ sở với thực trạng hoạt động của các đơn vị. Điển hình như, số lượng biên chế tại trạm y tế xã từ 8 - 10 người (tùy theo quy mô dân số), không đáp ứng được nhu cầu vừa khám, chữa bệnh, vừa tham gia phòng, chống dịch và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số.
Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên tỷ lệ cán bộ y tế trình độ sau đại học tại trung tâm y tế tuyến huyện còn thấp, thiếu bác sĩ cơ hữu tại trạm y tế (TX. Tịnh Biên và TX. Tân Châu). Sau giai đoạn dịch COVID-19, các hoạt động dần phục hồi, nhưng nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn còn thấp, nên nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của các đơn vị chưa thể cân đối để hỗ trợ đào tạo trình độ sau đại học.
Đặc biệt, có sự dịch chuyển cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở có trình độ đại học, sau đại học sang khu vực y tế tư nhân; cán bộ nghỉ việc đang có chiều hướng tăng, nhất là sau 2 năm dịch COVID-19. Bác sĩ biên chế tại trạm y tế giảm 6,4% so năm 2020.
Trong 2 năm (2020 - 2022), nhân viên y tế công lập nghỉ việc 439 người, trong đó bác sĩ chiếm 25%, điều dưỡng chiếm 43,7%. Chính sách về phụ cấp ưu đãi nghề, độc hại… rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính sách thu hút nhân viên y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến xã chưa thực hiện tại tỉnh…
“Sau đợt khảo sát tại 3 trạm y tế, 3 trung tâm y tế và 1 bệnh viện, chúng tôi đề xuất các cơ sở y tế cần khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, y sĩ, điều dưỡng được đào tạo liên thông lên hệ bác sĩ, cử cán bộ nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ. Ban giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự… từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Sở Y tế An Giang phối hợp Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển viên chức, đảm bảo đủ nguồn nhân lực; rà soát toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất trạm y tế, đề xuất chủ trương sửa chữa, xây dựng mới phù hợp, kịp thời. Trên cơ sở đề xuất của các trung tâm, Sở Y tế nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể sửa chữa từ nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị theo thứ tự ưu tiên, trong khi chờ thực hiện dự án theo lộ trình đầu tư công” - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang Lê Tuấn Khanh kiến nghị.
Theo UBND tỉnh An Giang, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành y tế chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét trong chất lượng dịch vụ y tế.
Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở y tế, đáp ứng điều kiện triển khai thực hiện danh mục kỹ thuật theo quy định. Tăng cường tuyển dụng, thu hút đủ số lượng, phù hợp về chuyên ngành, cơ cấu nhân lực y tế theo đề án vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc.
Đáng chú ý, HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, mức từ 150 - 350 triệu đồng/người.
“Kinh phí để thực hiện các chính sách gần 97 tỷ đồng, gồm: Chính sách thu hút khoảng 34,4 tỷ đồng; chính sách đãi ngộ 62,3 tỷ đồng. Nghị quyết kỳ vọng là “cú hích” hiệu quả, bổ sung bác sĩ để kiện toàn tổ chức bộ máy y tế trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tăng thêm thu nhập hàng tháng, giúp viên chức, người lao động làm công tác chuyên môn tại trạm y tế cấp xã an tâm công tác, phát triển nghề nghiệp, gắn bó lâu dài với địa phương” - Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền khẳng định.
VẠN LỘC