An Giang tiếp tục thực hiện mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật

30/12/2020 - 04:13

 - Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, tỉnh An Giang đã triển khai, nhân rộng mô hình thu gom, xử lý và đạt nhiều kết quả… Hoạt động này không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Đoàn viên, thanh niên ra quân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng 

An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL với diện tích tự nhiên 353.683ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 84,38% diện tích toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, là nguồn thu ngoại tệ lớn, giúp giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hoàng Môn cho biết, song song với phát triển và tăng sản lượng nông sản đã kéo theo việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp như: phân bón hóa học, thuốc BVTV. Đồng thời, thải ra môi trường một lượng lớn chất thải như: chai lọ, bao bì đựng hóa chất BVTV, vỏ bình phun hóa chất: thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm, thuốc diệt chuột, thuốc trừ cỏ… Đây là các chất thải nguy hại cần kiểm soát chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hiện nay, công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ, bao bì sau sử dụng đã được quan tâm, tuy nhiên chưa được thu gom triệt để. Chỉ một lượng nhỏ được thu gom, xử lý theo một số chương trình, dự án điển hình tại vài khu vực của tỉnh, còn lại hầu hết đều thải bỏ trực tiếp ra môi trường.

Theo thống kê, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh được tính trung bình đối với cây hàng năm là 0,9kg/ha/năm và cây lâu năm là 3,2kg/ha/năm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với tổng diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm của tỉnh An Giang hơn 277.241ha thì lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm khoảng 292-310 tấn…

Qua triển khai mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn 10 xã, 15 vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái và 9 xã nông thôn mới nâng cao (từ năm 2018-2020) đã thu gom, xử lý 29,9 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Các sở, ngành, UBND cấp huyện và xã đã tổ chức 220 cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Mặc dù tỷ lệ thu gom, xử lý còn khiêm tốn nhưng quan trọng là hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đặc biệt là nông dân, để tiếp tục triển khai nhân rộng.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, mô hình đã được các cấp, ngành, Hội Nông dân và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang quan tâm triển khai. Mô hình nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, cụ thể: tham gia việc bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các thùng chứa và phối hợp bảo quản các thùng chứa. Một số người dân còn chủ động thu gom các bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ngoài đồng ruộng để vào thùng chứa. Việc sử dụng thùng chứa thay bể chứa có một số ưu điểm nhất định (linh động, thuận lợi thu gom, di dời, phù hợp với điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh)…

Thời gian tới, An Giang tiếp tục thực hiện đề án “Điều tra hiện trạng phát thải, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp và đề xuất biện pháp quản lý” để đánh giá tổng lượng phát thải bao gói thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, việc thu gom và xử lý của người dân; đề xuất giải pháp tái chế, tái sử dụng và biện pháp quản lý. Tiếp tục triển khai kế hoạch “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức nông dân, bởi tác hại trước mắt và lâu dài của việc bỏ bừa bãi vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng đối với môi trường, đặc biệt là môi trường đất và nước. Cần nhân rộng mô hình thu gom và tiêu hủy có sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, lắp đặt nhiều hơn nữa thùng chứa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV…

HỮU HUYNH