An Giang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn

23/07/2021 - 05:37

 - UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương đang khẩn trương rà soát, lập danh sách để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình UBND tỉnh phê duyệt để chi hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly nhấn mạnh, một trong những điều kiện để NLĐ, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg là: làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về kinh phí… phải dừng hoạt động từ 14 (hoặc 15 ngày) liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Căn cứ quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Kế hoạch 437/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn cụ thể gửi về Phòng LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng trên cổng thông tin điện tử của sở, công bố số điện thoại đường dây nóng trên Báo An Giang. Tất cả NLĐ và người sử dụng lao động có thể tìm hiểu, liên hệ để được hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, tùy theo nhóm đối tượng sẽ có mức hỗ trợ cụ thể. Với lao động ngừng việc 1 triệu đồng/người. Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày) 1.855.000 đồng/người; hỗ trợ 3.710.000 đồng/người trường hợp nghỉ từ 1 tháng (30 ngày trở lên). NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhận mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.

Bên cạnh mức hỗ trợ trên, NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong khung thời gian từ ngày 27-4 đến 31-12-2021 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho trường hợp người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày. Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm 1 lần mức 1 triệu đồng/trẻ em. Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch 3.710.000 đồng/người.

Ngoài ra, đối với những hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh. Riêng các trường hợp về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất sẽ do bảo hiểm xã hội thực hiện. Đối với hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Cùng kế hoạch trên, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 719/CV-UBND về thực hiện hỗ trợ người bán lẻ vé số lưu động gặp khó khăn do dịch COVID-19 (chi từ nguồn tài chính của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang). Ông Châu Văn Ly thông tin, để thực hiện nhanh chóng, sở ban hành 2 văn bản hướng dẫn thực hiện và đề nghị các địa phương khẩn trương lập danh sách đối tượng bán vé số lẻ từ đủ 15 tuổi trở lên gửi về sở trước ngày 26-7 để trình UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kịp thời. UBND tỉnh thống nhất mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người và hỗ trợ 1 lần.

Riêng đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, để đảm bảo chính xác, không bỏ sót, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Tài chính, UBMTTQVN tỉnh, các ngành xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ, trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đối với nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các trường hợp khó khăn khác ngoài gói hỗ trợ, cùng với nhiều cách làm hay từ các địa phương, Sở LĐ-TB&XH thống nhất cùng UBMTTQVN tỉnh phối hợp vận động các nguồn lực xã hội hóa để kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm đến người dân.

Mục tiêu của Nghị quyết 68/NQ-CP là hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ. Nội dung hỗ trợ có 12 chính sách thiết kế gồm 3 nhóm cơ bản:

- Nhóm chính sách hỗ trợ cho lực lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động + lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động + lao động bị ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Nhóm chính sách tập trung vào miễn giảm, hỗ trợ từ các chính sách bảo hiểm, như: bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm chống thất nghiệp.

- Nhóm chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, cụ thể là tái cấp vốn và lấy một phần từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tái tạo, đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân NLĐ nhằm phục hồi sản xuất sau khi hết dịch.

MỸ HẠNH