An Giang trước thời cơ phát triển mới

18/08/2022 - 07:18

 - Không chỉ góp công lớn trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, trong thời kỳ trước và sau đổi mới, An Giang đã sáng tạo nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, được Trung ương đánh giá cao, nhân rộng cả nước. Nhiều bài học trong số đó vẫn đang phát huy giá trị để An Giang đột phá phát triển.

Đổi mới, sáng tạo

TS Nguyễn Văn Giàu là người con sinh ra ở vùng đất cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), có gần 20 năm công tác ở An Giang, sau đó về công tác ở Trung ương từ năm 1991, được Đảng, nhà nước phân công nhiều chức vụ quan trọng (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội).

Ký ức của ông đối với vùng đất An Giang là những ấn tượng về tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng. “Ký ức lưu lại mãi trong tôi với tấm lòng khâm phục và đầy ngưỡng mộ. Đó là lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ có nhiều quyết sách sáng tạo, mang tính đột phá, mở đường. Sáng tạo, quyết sách táo bạo đó không những thành công ở An Giang, cho người dân, doanh nghiệp ở An Giang, mà những thành công đó được các bộ, ngành Trung ương tổng kết và hình thành chính sách mới áp dụng, triển khai trong phạm vi cả nước” - TS Giàu nhấn mạnh.

An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL

Theo ông, có thể kể đến 7 chính sách được đúc kết, nhân rộng thành công từ An Giang. Thứ nhất là chính sách giao đất cho người trực tiếp sản xuất, tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ mở đầu đổi mới. Thứ hai là chuyển đất trồng lúa 1 vụ năng suất thấp, rủi ro cao thành lúa 2 vụ ngắn ngày, năng suất cao, đột phá về sản lượng lương thực. Thứ ba là mạnh dạn triển khai hệ thống thủy lợi, đã chuyển nhiều vùng đất nhiễm phèn nặng, hoang hóa thành vùng đất màu mỡ, trù phú ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

“An Giang triển khai hệ thống thủy lợi trong điều kiện nguồn ngân sách vô cùng khó khăn vào thời điểm đó. Việc thay đổi truyền thống trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ là điều không dễ làm nhưng tỉnh đã thực hiện thành công” - TS Nguyễn Văn Giàu đánh giá.

Chính sách quan trọng thứ tư được nhân rộng từ An Giang là chính sách tín dụng ngân hàng, cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông hộ, cá thể phát triển. Tiếp theo là chính sách xây dựng những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao thành “Cánh đồng lớn”. Từ đó, thuận lợi ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giảm giá thành, giảm bớt tổn thất trong thu hoạch; đầu tư bảo quản, sơ chế, ổn định giá cả thị trường, hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Một đột phá khác của An Giang là triển khai chính sách tôn nền, làm nhà ở vượt lũ cho người dân. Đến năm 2000, tỉnh đã cơ bản chấm dứt rủi ro tính mạng con người trong mùa nước nổi. Chủ trương “Sống chung với lũ”, đảm bảo sản xuất liên tục và mọi hoạt động bình thường cho người dân vùng lũ của An Giang đã tạo hình mẫu nhân rộng ra nhiều tỉnh ĐBSCL.

Ngày nay, An Giang đang tạo đột phá với chính sách chuyển đổi mô hình nuôi cá nước ngọt từ hình thức nuôi ao hồ, bè quy mô nhỏ lẻ thành những vùng ven sông, cánh đồng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức sản xuất công nghiệp. Từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản của An Giang đang tạo ra nhiều giá trị mới cho nông nghiệp.

Tận dụng thời cơ phát triển

TS Nguyễn Văn Giàu cho biết, trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, An Giang đã đạt được những thành tựu được xem là kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp. Từ ngưỡng 1 triệu tấn lúa năm 1988, 2 triệu tấn lúa năm 1994, đến nay sản lượng lúa của An Giang duy trì khoảng 4 triệu tấn/năm, đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực và tạo nguồn thu ngoại tệ. An Giang cũng đi đầu về truyền thống nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là cá tra trên sông Cửu Long, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 300 triệu USD/năm trong những năm gần đây.

An Giang còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Theo TS Giàu, mặc dù An Giang đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc nhưng cũng phải nhìn lại những tồn tại, yếu kém để có định hướng phát triển phù hợp. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm do duy trì diện tích đất trồng lúa quá lớn; chưa khai thác du lịch đúng tiềm năng, lợi thế; kinh tế biên mậu còn khiêm tốn; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chậm phát triển, chưa có nhiều dự án đột phá… Một trong những điểm yếu cố hữu của An Giang là cơ sở hạ tầng kinh tế còn lạc hậu, nhất là yếu kém về hạ tầng giao thông, chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư lớn.

An Giang đang đứng trước cơ hội tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đột phá phát triển mới, khi Trung ương đang triển khai nhiều chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030. Các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh và chủ trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Đại Ngãi, đường ven biển các tỉnh ĐBSCL, nghiên cứu tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ… sẽ tạo điều kiện kết nối An Giang với ĐBSCL, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp (chia thành 3 tiểu vùng), An Giang thuộc tiểu vùng sinh thái nước ngọt thượng nguồn và trung tâm của vùng ĐBSCL, là vùng nước ngọt an toàn. TP. Long Xuyên được xác định là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản nước ngọt.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế vùng qua An Giang, gồm: Tuyến cao tốc 6 làn xe từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (188,2km); tuyến đường Khánh Bình - Chợ Mới - Lấp Vò (85km); tuyến đường N1 kết nối An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang (138km)…

Theo TS Nguyễn Văn Giàu, An Giang cần thống nhất tư duy phát triển. Tỉnh cần phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương, Quân khu 9 và các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, tạo ra bước ngoặt lịch sử về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Phấn đấu 10 năm tới, phải tạo đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 85-90% GRDP, khu vực nông nghiệp còn khoảng 10-15% GRDP; đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-9%/năm từ nay đến năm 2030

 

NGÔ CHUẨN