An Giang xây dựng nông thôn mới vì Nhân dân

27/05/2024 - 06:03

 - Việc phấn đấu để các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), tiến lên NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu không phải nhằm đạt chỉ tiêu, thành tích đề ra mà người dân phải thật sự cảm nhận được sự thay đổi, tự hào với vùng đất đang sống và hưởng lợi do NTM mang lại. Lắng nghe ý kiến người dân để xây dựng NTM đạt thực chất là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh yêu cầu.

Tạo đồng thuận trong dân

Là một xã biên giới của huyện Tri Tôn, điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) của xã Lạc Quới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng NTM, người dân đồng thuận cùng hệ thống chính trị địa phương nỗ lực hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí. “Quả ngọt” gặt hái được là đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Tri Tôn long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Lạc Quới đạt chuẩn xã NTM năm 2023.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới Võ Văn Ban cho biết, trong tuyên truyền xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chú trọng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của NTM, xem đây là tiền đề thúc đẩy KTXH phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Quan điểm xuyên suốt của xã là xây dựng NTM thật sự “của dân, do dân, vì dân”, triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Từ đó, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM’’, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh’’ được người dân tích cực hưởng ứng, với những mô hình hay, việc làm thiết thực mang lại hiệu quả.

Tương tự, với xã Lương An Trà - địa phương vươn lên từ vùng đất phèn để xây dựng kinh tế mới của huyện Tri Tôn, chỉ sau 4 năm đạt chuẩn xã NTM (năm 2019), đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã NTM nâng cao năm 2023.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Trần Văn Cường cho biết, để tạo được sự ủng hộ của quần chúng Nhân dân trong quá trình thực hiện, Đảng ủy xã chỉ đạo UBMTTQVN và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao đến từng hộ dân, thông qua lồng ghép thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các hội đoàn thể.

Từ hiệu quả tuyên truyền, UBMTTQVN xã Lương An Trà vận động sửa chữa, cất mới 9 cây cầu nông thôn, với trên 950 ngày công lao động; rải đá bụi 3 tuyến đường giao thông nội đồng, tổng chiều dài 4,5km; sửa chữa, cất mới 30 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Hội Nông dân xã huy động nông dân đóng góp hơn 1.500 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, điển hình là mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước bằng pin năng lượng mặt trời cho cây na Thái tại ấp Phú Lâm...

Lắng nghe, thấu hiểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 263/QĐ-TTg, ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, nỗ lực xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng trong nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo diện mạo nông thôn được đồng bộ, môi trường được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn được ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 3/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành hoặc đạt chuẩn huyện NTM, có 76/110 xã đạt chuẩn xã NTM (chiếm 69,09%).

Với phương châm “Xây dựng NTM là một hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, việc hoàn thiện các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM chỉ là sự khởi đầu; đạt được đã khó, giữ gìn những thành quả càng khó hơn. Để đạt hiệu quả bền vững, Đảng bộ, chính quyền các cấp cần tiếp tục đầy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM, gắn với cuộc vận động toàn dân tích cực xây dựng NTM, đô thị văn minh, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Điển hình như với xã Lạc Quới, qua khảo sát của UBMTTQVN tỉnh, vẫn còn 11 ý kiến chưa hài lòng của người dân trong thực hiện xây dựng NTM. “Trong đó, có những hoạt động địa phương có thể triển khai thực hiện ngay để tạo sự hài lòng của người dân, như: Triển khai trồng thêm cây xanh khu vực UBND xã, công viên văn hóa Võ Văn Kiệt, cụm, tuyến dân cư, trồng hoa ở các tuyến đường nông thôn sau khi hoàn thành để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; công an xã tăng cường tuần tra để hạn chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy gợi ý.

Với các xã đạt chuẩn NTM, cần tập trung chỉ đạo củng cố và nâng chất các tiêu chí dễ biến động, thiếu bền vững, như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, môi trường, cải cách hành chính, việc làm... Từ đó, tạo tiền đề phát triển KTXH tại địa phương, nâng cao mức sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng NTM, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đối số trong xây dựng NTM và sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Xây dựng NTM là mong muốn Nhân dân được thụ hưởng cơ sở vật chất, môi trường sống tốt hơn, có thu nhập cao hơn và bền vững. Đảng bộ và chính quyền phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân để có hành động ngay, bởi sự hài lòng của người dân chính là thành công trong xây dựng NTM” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.

 

 

NGÔ CHUẨN