Mạng xã hội ngày càng tạo môi trường tiện lợi cho những người có chung sở thích ở khắp mọi nơi, chia sẻ niềm đam mê, trao đổi thông tin nhanh chóng, kết nối bạn bè không biên giới. Hiện nay, số lượng hội, nhóm trên các mạng xã hội ngày càng gia tăng. Chỉ cần tham gia các trang mạng xã hội: Facebook, Instagram, Zalo, TikTok… người dùng dễ dàng tìm thấy hàng ngàn hội, nhóm tích cực lẫn tiêu cực. Không cần điều kiện gì, chỉ cần bấm “tham gia” là có thể gia nhập những hội nhóm này và thoải mái chia sẻ, trò chuyện trong nhóm.
Bên cạnh những hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm hay, biểu dương, tôn vinh gương người tốt việc tốt, quảng bá vẻ đẹp của quê hương, đất nước, lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cuộc sống, trong cộng đồng cùng với sự nỗ lực của các quản trị viên, thành viên tham gia góp phần mang lại giá trị vật chất, tinh thần thiết thực… thì vẫn còn tồn tại song song các hội nhóm tiêu cực. Lợi dụng những hội nhóm này, nhiều đối tượng xấu đăng tải bài viết, bình luận kích động bạo lực, đồi trụy, tệ nạn xã hội, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm, tuyển dụng, cho vay tiền… Các hội, nhóm tiêu cực thường đặt tên theo chiều hướng xấu hoặc trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ra sự hiếu kỳ đối với người sử dụng mạng xã hội.
Nhiều hội, nhóm mà chỉ cần đọc tên thôi cũng đủ thấy tiêu cực và nguy hiểm, như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội thích ng.oại t.ình, Hội những người ghét cha mẹ, Hội chị em tìm zai đẹp, Nhóm đòi nợ thuê - đánh thuê… Với hàng ngàn thành viên tham gia trong mỗi hội, nhóm cùng nhau đăng lên ‘thế giới ảo” những nội dung kích động, những dòng trạng thái về những ý tưởng điên rồ.
Những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Chị Nguyễn Thị Hoàng K. (TP. Long Xuyên) cho biết, vô tình thấy con trai học lớp 10 đang lướt mạng xã hội Facebook bằng điện thoại thông minh, trong đó có tham gia “Hội những người hay bỏ nhà ra đi”. Quá hốt hoảng, lo lắng, chị thử đăng ký tham gia làm thành viên của các hội nhóm này để tìm hiểu và thật sự giật mình. Hàng ngàn thành viên tham gia đăng những bài viết tiêu cực, chán đời, muốn bỏ nhà đi bụi chỉ vì bị áp lực, trách mắng chuyện học hành. Có những bạn trẻ còn tỏ rõ sự bất mãn, thậm chí muốn tự tử, kết thúc cuộc đời, vì cho rằng không ai hiểu mình. Điều đáng lo ngại là bên dưới những bài đăng luôn có rất nhiều bình luận tiêu cực của các thành viên trong nhóm tỏ ra ủng hộ, cổ xúy…
Không chỉ riêng con của chị K., trong các hội nhóm tiêu cực có rất nhiều bạn trẻ mang theo suy nghĩ đơn thuần khi tham gia các hội nhóm kín này là có thêm nơi để tán gẫu, giải tỏa tâm lý, nhưng không ngờ lại bị chính những hội nhóm tiêu cực dẫn dắt, thao túng tâm lý, dễ thực hiện những hành vi tiêu cực, có khi còn phạm pháp. Đây là thực trạng đáng báo động và cho thấy một mặt trái khác của mạng xã hội "ảo" đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội thật.
Ngoài ra, hiện nay trên các trang mạng xã hội có một số nhóm tà đạo hoạt động tôn giáo trái phép. Cụ thể, các nền tảng trực tuyến, như: Facebook, Zalo, TikTok... đang là công cụ hữu hiệu cho các tà đạo hoạt động truyền đạo, lôi kéo người thiếu hiểu biết tham gia. Gần đây, một số hội nhóm tà đạo sau khi bị phát giác, xóa bỏ các tụ điểm sinh hoạt tập trung tại một số địa phương, các đối tượng này đã chuyển hướng sang truyền giáo trực tuyến trên mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo mọi người vào các hội, nhóm.
Bên cạnh đó, các đối tượng tổ chức sinh hoạt tôn giáo trá hình trên mạng còn hướng tới người già, người mắc bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo. Cách thức tiếp cận rất tinh vi, không dùng hình ảnh tâm linh phản cảm, cúng bái cực đoan, mà dùng những thuật ngữ khoa học, triết lý nhân sinh, những câu chuyện hay, có logic để dụ dỗ, mê hoặc. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều người tin vào những lời dụ dỗ sáo rỗng về tinh thần lạc quan, đánh thức tiềm năng bản thân, giá trị sống, năng lượng cộng hưởng từ trời đất, vũ trụ, nhất là chữa bệnh bằng năng lượng vô hình, không cần dùng thuốc…
Cách thức hoạt động của các hội nhóm này tương đối giống nhau. Khởi đầu là những dòng trạng thái câu “Like” đơn giản trên Facebook, Zalo… có khi sử dụng các video trên TikTok, YouTube, những buổi livestream với những lý lẽ nhân văn cao đẹp, mời gọi tham gia các buổi hội thảo trực tuyến trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đây chính là chiêu lừa mà các hội bán hàng đa cấp thường sử dụng. Chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để tham gia sâu hơn vào các hoạt động khác thông qua các hội nhóm kín.
Sau đó, dần dần tham gia tích cực vào hoạt động của hội, nhóm, hết mình cống hiến cho tà đạo, như: Đóng góp quỹ từ thiện, mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh... Điều đáng lo ngại nhất là nhiều người mù quáng tin theo các tà đạo này, khi có bệnh không chịu đi khám, không sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ. Không ít người mắc bệnh mãn tính nguy hiểm, bị ung thư đã bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị theo y học hiện đại, phải gánh chịu hậu quả nặng nề không đáng có cho bản thân, gia đình và xã hội.
Để không bị cuốn vào các hội, nhóm tiêu cực, mỗi cá nhân khi tham gia sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm để tham gia, cũng như biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm và có định hướng phù hợp khi con em sử dụng mạng xã hội, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.
TRỌNG TÍN