An Phú hỗ trợ nông dân liên kết, phát triển

20/06/2023 - 03:58

 - Hơn 32 năm từ khi tái lập huyện (1991 - 2023), diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện An Phú (tỉnh An Giang) ngày càng khởi sắc. Nhiều cụm, tuyến dân cư khang trang mọc lên, điện đến từng nhà, nước sạch đến với đại bộ phận người dân, giao thông nông thôn thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa, đi lại của người dân. Xuất hiện nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, với nhiều mô hình hay, mang lại thu nhập cao.

Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hàng năm ở huyện An Phú có khoảng 3.500 hộ đăng ký, trong đó có khoảng 3.100 nông dân được công nhận nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt 105% chỉ tiêu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Huỳnh Thanh Phong cho biết, huyện còn thực hiện hiệu quả đề án “Nâng cao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2023”, vận động tăng trưởng nguồn quỹ 1,1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn quỹ hơn 2,5 tỷ đồng. Tích cực vận động nông dân thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” và bảo vệ môi trường. Nông dân tự nguyện hiến đất làm đường ra cánh đồng với 14.650m2 và đóng góp kinh phí trên 350 triệu đồng.

Huyện An Phú khen thưởng nông dân có thành tích xuất sắc

Tăng cường phối hợp ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra tổ tiết kiệm vay vốn việc thu lãi, vốn đến hạn đối với những hộ vay. Đến nay, toàn huyện có 97 tổ, với 4.951 hộ vay, tổng dư nợ trên 135,6 tỷ đồng. Phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Phú xét cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung Nghị định 116/2018/NĐ-CP) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với 135 hộ vay, tổng dư nợ 11,7 tỷ đồng…

Nhằm giúp hội viên nông dân có nguồn vốn mở rộng diện tích sản xuất, chăn nuôi, Ban điều hành “Quỹ Hỗ trợ nông dân” (Hội Nông dân huyện) xét cho vay chăn nuôi bò, nuôi gà thương phẩm, nuôi cá cho 151 hộ vay số tiền 425 triệu đồng. Ngoài ra, đề nghị Ban điều hành “Quỹ Hỗ trợ nông dân” (Hội Nông dân tỉnh) cho vay dự án trồng và chăm sóc vườn xoài keo cho 10 hộ với số tiền 400 triệu đồng.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp An Phú có chất lượng cao

Tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ; tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành và các kỹ năng cho tổ hợp tác; hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử…

Tiếp tục phát huy mô hình phát triển kinh tế gắn với quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho nông dân. Các cấp hội nông dân huyện vận động, hướng dẫn nông dân là chủ thể sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, phiên chợ, hội thi trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do tỉnh, huyện tổ chức.

Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm lợi thế, mô hình sản xuất tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phối hợp tổ chức 63 lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi lươn, trồng và thiết kế vườn, may công nghiệp... với 1.800 lượt người tham dự.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, huyện kiểm tra hồ sơ thủ tục để hội đồng đánh giá, phân hạng đối với 5 sản phẩm; tỉnh công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là khô bò (giòn) Đa Phước và xoài keo Long Bình. 

Hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, thành lập 50 tổ hợp tác, nâng toàn huyện có 81 tổ hợp tác, với 890 thành viên, diện tích trên 1.387ha, cùng với 21 hợp tác xã đang hoạt động. Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch đăng ký thi đua công tác dân vận trong xây dựng NTM từ 1 - 2 mô hình, huyện xây dựng 15 mô hình tiêu biểu. Ngoài ra, mỗi cơ sở hội còn xây dựng được mô hình thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”…

Phối hợp tổ chức 67 lớp dạy nghề với hơn 1.950 người tham gia. Phối hợp xây dựng 2 mã số vùng trồng xoài keo cho 30 hộ nông dân với diện tích 56ha; hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú Phùng Minh Tân yêu cầu các cấp hội nông dân huyện An Phú tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với nâng cao chất lượng nông sản.

Trong đó, hội viên nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả. Ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị nông sản…

HỮU HUYNH