An Phú khắc phục sạt lở

08/06/2021 - 05:05

 - Tại khu vực tổ 44, ấp An Thạnh (thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vừa xảy ra sạt lở cặp bờ sông Châu Đốc, dọc tuyến Tỉnh lộ 957. Do được cảnh báo trước nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng đến 6 căn nhà, buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Vụ sạt lở còn ảnh hưởng đến tuyến giao thông huyết mạch từ huyện An Phú đi TP. Châu Đốc.

Trước đó, người dân phát hiện tại tổ 44 xuất hiện một số vết nứt rộng khoảng 5cm, dài khoảng 35m, có nguy cơ sạt lở rất cao. Lo ngại sạt lở đe dọa đến sự an toàn của 2 nhà dân gần đó nên chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh bị thiệt hại do sạt lở. Chính quyền địa phương cho rào chắn, cắm biển cảnh báo, hạn chế lưu thông ở khu vực này.

Đây là khu vực đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo sạt lở từ trước. Kết quả khảo sát đo đạc đợt 2 (cuối năm 2020), Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, đoạn cảnh báo sạt lở dài 500m thuộc ấp An Thạnh (thị trấn An Phú, huyện An Phú) có xuất hiện vết nứt, đo đạc địa hình đáy sông tại đây có độ sâu từ -5m đến -7m, độ rộng lòng sông là 75m (hẹp hơn so với các khu vực lân cận khoảng 25m), vị trí vết nứt thuộc cung bờ lõm đoạn cua cong. Đây là giai đoạn đầu của quá trình xâm thực bờ gây sạt lở. Ngành chuyên môn đề nghị địa phương thường xuyên kiểm tra, có giải pháp gia cố bờ, cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụt lún trên phạm vi này…

Hiện trường vụ sạt lở

Ngay khi phát hiện một số vết nứt, ngày 3-6, địa phương bố trí lực lượng cùng người dân di chuyển tài sản và tháo dỡ nhà các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đồng thời, thực hiện cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm. Đến ngày 5-6, sạt lở xâm thực vào đất liền gần 15m, chiều dài khoảng 70m, có 30m bị xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng 6 căn nhà của các hộ dân: Đoàn Văn Hải, Trần Văn Buôn, Trần Thị Nên, Trần Văn Châu, Trần Văn Oanh, Trần Văn Ngoan; trong đó 2 căn nhà của ông Hải và ông Buôn bị sụp một phần.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Phú Phạm Tấn Tháo cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân sạt lở do khu vực này nằm ngay khúc cua sông Châu Đốc nên nước chảy mạnh, đập vào bờ tạo thành hàm ếch, gây ra sạt lở. Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, khu vực vẫn còn nguy cơ sạt lở trong thời gian tới nên phải di dời ngay các hộ dân. Đồng thời, thông báo đến các hộ dân gần khu vực này chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, sớm di dời đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng động viên, trao tiền hỗ trợ người dân

Ngay khi xảy ra sạt lở, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã đến hiện trường, huy động lực lượng cùng với nhân dân di dời tài sản, tháo dỡ nhà, sắp xếp chỗ ở tạm cho các hộ dân.

Đại diện hộ gia đình ông Trần Văn Buôn thông tin: “Nhờ chính quyền địa phương cử lực lượng hỗ trợ kịp thời nên các hộ dân chúng tôi được di dời đến nơi an toàn. Được sắp xếp nơi ở nên tạm ổn bước đầu. Các cấp, ngành từ tỉnh, huyện, thị trấn rất quan tâm đến thăm hỏi, động viên, cho tiền, gạo… giúp người dân chúng tôi tạm thời khắc phục khó khăn”.

Ngày 6-6, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Lê Bích Phượng đã đến thăm và hỗ trợ 6 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại huyện An Phú. Trước đó, Huyện ủy, UBND, UBMTTQVN, các ban, ngành, đoàn thể huyện An Phú đã đến chia sẻ, hỗ trợ bà con. Những phần quà hỗ trợ thiết thực, như: gạo, mì gói, nhu yếu phẩm và tiền mặt đã giúp người dân bước đầu ổn định cuộc sống… Các ngành chức năng đang tiến hành khảo sát hiện trường, quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời cảnh báo và đề xuất hướng xử lý phù hợp.

HỮU HUYNH