An Phú phát triển kinh tế hợp tác

25/10/2023 - 08:08

 - Thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), Hội Nông dân huyện An Phú xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác, tích cực tham gia xây dựng HTX nông nghiệp, THT… là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội và phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản

Hội Nông dân huyện cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò cầu nối để HTX, THT tiếp cận các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)… nhằm tạo điều kiện cho các HTX, THT gắn kết với các DN xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản. Toàn huyện đã thành lập được 81 THT. Qua đánh giá, phân loại kết quả hoạt động của THT ở các xã, thị trấn, có 4 tổ hoạt động tốt, 24 tổ hoạt động khá, 15 tổ hoạt động trung bình, 38 tổ đang theo dõi đánh giá (do mới thành lập năm 2023). 

Toàn huyện hiện có 21 HTX nông nghiệp, tăng 2 HTX so năm 2021, với 1.161 thành viên; diện tích phục vụ trong xã viên gần 2.000ha và ngoài xã viên là 356ha. Doanh thu bình quân của HTX năm 2022 là 573 triệu đồng/HTX/năm, trong đó lãi bình quân 23 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 36 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch 24-KH/HU, ngày 13/7/2012 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện An Phú, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, tăng lợi nhuận, đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích, từng bước tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, đã triển khai thực hiện 6/8 nhóm sản phẩm chiến lược được quy hoạch của tỉnh, gồm: Lúa an toàn sinh học, rau màu, chăn nuôi (heo, bò), cây ăn trái, nấm ăn - nấm dược liệu, thủy sản. Các nhóm sản phẩm được lựa chọn thực hiện thí điểm đều đạt so kế hoạch và có nhiều bước tiến quan trọng về kỹ thuật sản xuất, phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là sự thay đổi từ nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Sử dụng giống cây trồng có kiểm định, kiểm nghiệm, có nguồn gốc, xuất xứ; cập nhật và đầu tư trang thiết bị các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái… góp phần giải phóng sức lao động, như: Máy gặt đập liên hợp, máy bón phân, máy phun thuốc, hệ thống tưới nhỏ giọt (điều khiển bằng smartphone), drone (thiết bị bay không người lái) xạ lúa và phun thuốc, máy cuốn rơm, máy thu hoạch bắp, đậu phộng, đậu nành rau...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Huỳnh Thanh Phong cho biết, huyện tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả với sự đồng hành của DN tại các địa phương có nền tảng tốt về liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phối hợp các ngành liên quan và địa phương thường xuyên củng cố, nâng chất hoạt động các HTX, THT hoạt động hiệu quả. Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là kiến thức về quản trị; hình thành lực lượng tư vấn chuyên môn để kịp thời hỗ trợ khi HTX có nhu cầu.

Hội Nông dân huyện yêu cầu các HTX nông nghiệp phải thường xuyên đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào chuổi liên kết giá trị trong sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Về phía Nhà nước, cần quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX; khuyến khích kêu gọi, giới thiệu làm cầu nối và tạo điều kiện thuận lợi để DN, tập đoàn liên kết cùng với HTX trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Về giải pháp ứng dụng công nghệ cao, huyện tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân, các THT và HTX tiếp cận đề án, dự án, kế hoạch đầu tư sản xuất, nhất là Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL… Tập trung tuyên truyền nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất hiệu quả; sản xuất sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và được công nhận mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng gắn liên kết tiêu thụ với DN theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức sản xuất các giống chất lượng và năng suất cao trên các lĩnh vực trồng trọt (lúa, cây ăn trái), chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, SRP, GlobalGAP… để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong, ngoài nước. Phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ các cơ sở, mô hình sản xuất có tiềm năng hoàn thành thủ tục cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để thông qua hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện được công nhận trong năm 2023 và các năm tiếp theo…

HỮU HUYNH