An Phú thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

16/12/2024 - 07:46

 - Thực hiện Quyết định 703/QĐ-UBND, ngày 2/5/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang, đến nay, huyện An Phú có 10 xã xây dựng kế hoạch và quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án.

Diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Theo đó, vụ thu đông 2024, trên địa bàn huyện An Phú thực hiện 420/246ha, đạt 170% kế hoạch. Đồng thời, triển khai liên kết tiêu thụ, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp liên kết Công ty TNHH TM-DV Giống Cây trồng Phú Hưng thực hiện 420/246ha, đạt 170% kế hoạch đề án năm 2024 (sản xuất giống lúa).

Về tình hình hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng, các xã, thị trấn thành lập 14 tổ khuyến nông cộng đồng và ban hành quy chế hoạt động. Cơ cấu, gồm: Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm tổ trưởng; khuyến nông viên làm tổ phó; thành viên, gồm: Các đoàn thể, nhân viên nông nghiệp, HTX và nông dân tiêu biểu. Nhiệm vụ là tham mưu UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, nông thôn mới của địa phương...

 Ngoài ra, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ tham gia tư vấn xây dựng HTX nông nghiệp, thông tin thị trường và các nhiệm vụ địa phương giao, đây là “cánh tay nối dài” của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết nối giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp (DN) giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Vụ đông xuân 2024 - 2025, huyện An Phú phấn đấu diện tích thực hiện 2.700ha, trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT trước đây. Trong đó, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp từng xã, thị trấn phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, mục tiêu cụ thể theo kế hoạch đề ra. Có 13 HTX trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia thực hiện đề án.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh, ngành nông nghiệp huyện An Phú đã thực hiện 22 cuộc tham vấn và tuyên truyền cho 13 HTX và 660 cán bộ đoàn thể và nông dân nòng cốt các xã, thị trấn tham gia thực hiện đề án. Nội dung tuyên truyền theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL (theo Quyết định 145/QĐ-TT-CLT, ngày 27/3/2024 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo đó, trong canh tác lúa bền vững, tiêu chí canh tác bền vững của đề án khuyến cáo lượng lúa giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm 20%, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 20%, lượng nước tưới giảm 20% so với canh tác truyền thống. 100% diện tích (tương đương 100% hộ) áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 6 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng…

Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. Trên 2.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững. 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Đối với xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh…

Vụ đông xuân 2024 - 2025, huyện An Phú còn thực hiện 1 mô hình trình diễn sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 phải, 5 giảm” tại HTX Nông nghiệp Phú Hiệp (xã Phú Hữu) có 10 hộ tham gia, với diện tích thực hiện 15ha trên giống Đài Thơm 8, mật độ sạ 80kg/ha, xuống giống từ ngày 16 - 25/11/2024. Dự kiến, ngày 6/12/2024 tổ chức hội thảo mô hình…

 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, còn nhiều nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nên khó khăn trong việc thu hút nhiều DN đầu tư liên kết sản xuất. Đồng thời, một số tuyến kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã bồi lắng, gây khó khăn trong việc bơm tưới, tiêu úng. Hiện nay, các HTX đa số chỉ thực hiện dịch vụ bơm tưới, chưa mạnh dạn mở rộng thêm dịch vụ. Việc tiếp cận, tìm kiếm DN tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong sản xuất của một số HTX còn hạn chế… nên ảnh hưởng quá trình triển khai đề án. 

HỮU HUYNH