Hình ảnh được chụp từ năm 1971, cho thấy những tổn thương ở chân và tay của một bé gái 4 tuổi tại Liberia mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CDC Mỹ
Bệnh nhân là một người đàn ông trong độ tuổi 40 vừa trở về từ châu Âu. Người đứng đầu cơ quan y tế bang NSW Kerry Chant nêu rõ căn bệnh này không dễ lây lan từ người sang người, trừ phi tiếp xúc rất gần với người nhiễm virus. Phần lớn người bệnh đều phục hồi trong vài tuần.
Các trung tâm y tế và các bác sĩ trên toàn bang đang cảnh giác trước nguy cơ có thêm ca nhiễm tại khu vực này.
Trong khi đó, chính quyền bang Victoria đã cảnh báo người dân về căn bệnh xuất hiện ở những người đi du lịch về này.
Người đứng đầu Chương trình An ninh sinh học tại Viện Kirby của Đại học New South Wales, Giáo sư Raina MacIntyre cho biết căn bệnh có liên quan mật thiết tới virus gây bệnh đậu mùa. Theo Giáo sư MacIntyre, đây là virus lây qua đường hô hấp, nhưng thường chỉ lây nhiễm khi tiếp xúc gần. Những nghiên cứu trước đó cho thấy tỷ lệ lây nhiễm là khoảng 3%. Bà cho biết các vaccine ngừa bệnh đậu mùa hiện nay cũng có tác dụng trước bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời khuyến nghị Australia nên tích trữ vaccine này để phòng ngừa nguy cơ dịch lan rộng.
Kể từ đầu tháng 5, châu Âu và Bắc Mỹ đã thông báo hàng chục trường hợp nghi nhiễm hoặc đã xác nhận nhiễm virus đậu mùa khỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh đang bắt đầu lan rộng.
Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang phối hợp với Anh, quốc gia ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hồi đầu tháng 5, và các quan chức y tế châu Âu để đánh giá nguy cơ về những đợt bùng phát mới.
Đậu mùa khỉ là virus hiếm gặp, thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị, song vẫn có thể gây tử vong. Theo WHO, hiện chưa có thuốc chữa và vaccine chuyên biệt ngăn ngừa bệnh này.
Theo ĐẶNG ÁNH (TTXVN)