"Ba bám, bốn cùng" tại thôn, làng biên giới

05/01/2021 - 08:36

Những năm qua, các cấp ủy, chi bộ thôn, làng các xã biên giới của tỉnh Kon Tum hoạt động nền nếp, hiệu quả hơn; đội ngũ đảng viên có trách nhiệm cao hơn trong các hoạt động của tập thể; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ từng bước được nâng lên. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ từ mô hình đưa đảng viên đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng các xã biên giới.

Hiệu quả rõ rệt

Ðịa bàn biên giới tỉnh Kon Tum có 13 xã, 13 đảng bộ, 96 chi bộ thôn, làng với 17.269 hộ, 61.059 khẩu gồm 27 dân tộc cùng sinh sống (hơn 80% là dân tộc thiểu số). Trình độ, năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở thôn, làng các xã biên giới còn có những hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn nhân lực lao động và thế mạnh tại chỗ chưa được khai thác, phát huy… Xuất phát từ thực tế nêu trên, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Quy định 756-QÐ/TU quy định tạm thời về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng được giới thiệu và tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng các xã biên giới, làm cơ sở để Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới.

Ðể phát huy hiệu quả mô hình nêu trên, hằng năm, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Kon Tum đưa nội dung thực hiện mô hình vào nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị và công tác vận động quần chúng; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ, đơn vị cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới triển khai thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương; khảo sát, lựa chọn những chi bộ thôn, làng hoạt động yếu kém để phân công, giới thiệu các đồng chí đảng viên đội công tác địa bàn có năng lực, trách nhiệm tham gia sinh hoạt; giúp đỡ các hộ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn và học tập kinh nghiệm để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Những mô hình tiêu biểu như: trồng cao-su tiểu điền tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy); nuôi heo rừng tại xã Ðăk Xú (huyện Ngọc Hồi); trồng sâm dây ở xã Ðăk Blô, xã Ðăk Nhoong (huyện Ðăk Glei); trồng rau xanh ở xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy)…

Thiếu tá Nguyễn Xuân Ðáng, Phó Ðội trưởng Trinh sát, Ðồn Biên phòng Saloong tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn Giang Lố 1, xã Saloong.

Trung tá Phạm Văn Minh, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong năm qua chúng tôi đã đưa tám đảng viên đội công tác địa bàn xuống tham gia sinh hoạt tại sáu chi bộ thôn, làng thuộc xã biên giới Sa Loong. Các đồng chí phát huy được tinh thần trách nhiệm, các chi bộ thôn, làng có chuyển biến tốt, đặc biệt là về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các đoàn thể quần chúng tại thôn, làng phát huy vai trò, các phong trào đều đi lên. Ðồn triển khai các mô hình như "Con nuôi đồn biên phòng", "Nâng bước em đến trường" và phân công trực tiếp 35 đồng chí nhận đỡ đầu 75 hộ gia đình nghèo.

BÐBP tỉnh Kon Tum đã giới thiệu 13 cán bộ tăng cường cho 13 xã biên giới và giữ chức phó bí thư đảng ủy xã; chín cán bộ tham gia HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; tám cán bộ Ðoàn TNCS các đồn giữ chức phó bí thư đoàn TNCS các xã biên giới; một cán bộ tham gia Ban Chấp hành Huyện đoàn; một cán bộ tham gia Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Kon Tum; cử 67 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 63 chi bộ thôn, làng và 38 đảng viên kết nghĩa với 32 hộ gia đình khó khăn để giúp đỡ thoát nghèo... Cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn lực lượng BÐBP tỉnh, nhất là số cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng và kết nghĩa giúp các gia đình khó khăn đã chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm; xác định đúng đắn tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, mục đích, ý nghĩa của mô hình, tích cực, năng động, khắc phục khó khăn, góp phần xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ, cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở chính trị thôn...

"Ba bám, bốn cùng"

Ðồng chí Y Tin, Bí thư Chi bộ thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) cho biết: Chi bộ của chúng tôi có hai đồng chí đảng viên biên phòng về sinh hoạt. Các đồng chí đã tham mưu để các chi bộ hình dung được việc thực hiện nghị quyết. Về mặt an ninh, chính trị, các đồng chí đến tận nhà để tuyên truyền vận động các hộ dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Lực lượng thanh niên đã phối hợp tốt với BÐBP tham gia sinh hoạt tại thôn, không mắc vào các tệ nạn xã hội.

Thực hiện tốt Quy định 756 của Tỉnh ủy Kon Tum gắn với phương châm "ba bám, bốn cùng" (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), các đồng chí đảng viên BÐBP về sinh hoạt tại thôn, làng đã chủ động tham mưu, giúp cấp ủy, chi bộ duy trì việc xây dựng nghị quyết, chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Ðịnh kỳ hằng tháng bám sát chủ trương, định hướng của đảng ủy xã, sự chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và thực tế địa bàn, xác định nội dung tham mưu cấp ủy, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Khi có những vấn đề khó khăn, phức tạp, các đồng chí đảng viên chủ động nắm chắc tình hình thông tin, báo cáo và tham mưu chi bộ đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ phụ trách cho từng cấp ủy viên giải quyết kịp thời, hiệu quả, sát với thực tế. Những việc làm nêu trên đã giúp các chi bộ thôn, làng đi vào hoạt động có nền nếp, duy trì sinh hoạt đúng thời gian, chất lượng nghị quyết được nâng lên, hệ thống sổ dự thảo nghị quyết, sổ ghi biên bản, danh sách đảng viên, sổ thu chi đảng phí được củng cố, ghi chép lưu trữ đầy đủ hơn.

Chi bộ thôn Giang Lố 1 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) có 13 đảng viên Theo đồng chí A So Ðáo, Bí thư chi bộ, hai đảng viên từ Ðồn Biên phòng Sa Loong về tham gia sinh hoạt đã giúp chi bộ triển khai hiệu quả những nhiệm vụ chính trị có trọng tâm, chủ động. Tuy phần lớn đảng viên là người dân tộc thiểu số, thường xuyên lao động trên nương rẫy nhưng vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ. Các đồng chí còn hướng dẫn người dân trong thôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống bà con khá lên.

Ðưa chúng tôi đi thăm ngôi nhà mới sửa khang trang của gia đình A Liên, Thiếu tá Nguyễn Xuân Ðáng, Phó Ðội trưởng Trinh sát, Ðồn Biên phòng Sa Loong chia sẻ: Cán bộ được phân công về thôn, làng phải tìm hiểu, nghiên cứu nắm chắc nhiệm vụ, phong tục tập quán của người dân. Qua các buổi sinh hoạt chi bộ, chúng tôi cố gắng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó đề ra chủ trương lãnh đạo sát thực tế, góp phần bảo đảm giữ vững chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới.

Theo PHÚC THẮNG (Báo Nhân Dân)