Bài toán nguồn nước cho ĐBSCL

21/05/2024 - 06:20

 - Theo các chuyên gia, thay vì cứ lo lắng về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo của Campuchia (tạm gọi là kênh đào Phù Nam), cần chủ động tìm giải pháp thích ứng cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là giải pháp tổng thể về bổ sung nguồn nước, vận hành, trữ nước để “sống chung” với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, kể cả những dự án nhân tạo của các quốc gia lưu vực sông Mekong.

Giảm nước về ĐBSCL

Vừa qua, Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức hội nghị tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Căn cứ vào thông báo của Campuchia gửi cho Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Dự án đường thủy nội địa Funan Techo dài 180km, rộng 50m, sâu 4,7m; có 3 âu kiểm soát mực nước. Dự án nằm trên nhánh của sông Mekong tại tỉnh Kandal, kết nối qua các tỉnh Takeo, Kampot và Kep, trước khi đổ ra vịnh Thái Lan.

TS Tô Văn Trường (chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường) cho biết, lưu vực sông Mekong có diện tích khoảng 795.000km², chảy qua địa phận của 6 quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam), với chiều dài dòng chính 4.800km, tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỷ m³. Trong đó, phân bố dòng chảy về ĐBSCL bình quân giai đoạn 1995 - 2020 qua Tân Châu và Châu Đốc khoảng 12.450m³/giây, ứng với tổng lượng 394,2 tỷ m³; lưu lượng bình quân tháng nhỏ nhất là 3.114 m³/giây, ứng với tổng lượng 8,1 tỷ m³/tháng.

Cần giải pháp tổng thể về nguồn nước vùng ĐBSCL

Nếu so lưu lượng nước qua âu kiểm soát tuyến kênh Phù Nam 3,6m³/giây với nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL, có vẻ tác động không đáng kể. Tuy nhiên, trong trường hợp các cống để mở hoàn toàn cho nước trên kênh chảy tự do ra cảng Kep, kết hợp tưới nông nghiệp thì dự án có khả năng làm giảm lượng nước trên sông Hậu từ 5 - 13% trong mùa khô, từ 2 - 6% trong mùa mưa, khả năng lưu lượng trên sông Tiền bị giảm từ 2 - 4% trong mùa khô, từ 1 - 3% trong mùa mưa; gây gia tăng xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa về ĐBSCL, ảnh hưởng hệ sinh thái nước ngọt.

Cần đánh giá đầy đủ hơn

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, với dữ liệu Ủy ban sông Mekong Campuchia cung cấp, lượng nước xả tối đa qua âu tàu theo trung bình ngày là 3,6m3/giây, giả thiết các âu tàu xả 15 giờ/ngày thì lượng nước chuyển ra vịnh Thái Lan có thể lên đến 252.720m3/ngày, xấp xỉ 7,6% lưu lượng nước mùa khô trên sông Hậu. Tính toán sơ bộ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tuyến kênh Phù Nam đi vào hoạt động sẽ làm dòng chảy về vùng ĐBSCL suy giảm mạnh (6 - 10% vào mùa cạn).

Tuy nhiên, tính toán trên bỏ qua lượng nước lấy để cung cấp cho sinh hoạt và hoạt động công nghiệp. Nếu tính đầy đủ thì mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam thì nước trên sông Tiền và sông Hậu, 2 phân lưu của sông Mekong về đến ĐBSCL sẽ giảm hơn 50%.

Những năm khô hạn như 2016 hay 2024 này, sự thiếu hụt sẽ tăng hơn trầm trọng. “Chắc chắn với mực suy giảm theo ước tính như vậy, khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường” - PGS.TS Lê Anh Tuấn đánh giá.

Chuyên gia này lưu ý thêm, vào mùa mưa, kênh đào Phù Nam với đường đắp bờ 2 bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua cánh đồng ngập lũ, khả năng gây giảm lũ vào vùng trũng Tứ giác Long Xuyên. Lũ thấp không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La (tỉnh An Giang), mà còn làm giảm nguồn cá, phù sa, nguồn dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước...

Ứng phó chủ động

Dù tác động của kênh đào Phù Nam của Campuchia đến vùng ĐBSCL của Việt Nam là không tránh khỏi, nhưng cần ứng phó chủ động. Các chuyên gia cho rằng, tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo nằm hoàn toàn trên đất Campuchia, được xem là quyền lợi khai thác, phù hợp với lợi ích phát triển của quốc gia này.

Điều cần làm là Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban sông Mekong Campuchia và Ủy hội sông Mekong quốc tế nắm thông tin chính xác về kế hoạch xây dựng, vận hành, khai thác của kênh đào Phù Nam. Từ đó, giảm thiểu tác động của dự án này thông qua hợp tác Ủy hội sông Mekong, giám sát và kiểm soát lượng nước chảy qua các cửa van theo thông báo của Campuchia.

Về lâu dài, phải có hành động, giải pháp tổng thể để giúp vùng ĐBSCL thích ứng bền vững trước tác động của BĐKH, bởi trong tương lai, việc có thêm những công trình, dự án của các quốc gia trên lưu vực sông Mekong là khó tránh khỏi. Nếu như Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, nước biển dâng thì ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm; theo kịch bản sẽ dâng thêm 30cm vào năm 2050.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, toàn vùng ĐBSCL có 17 cửa sông, tổng chiều rộng khoảng 25km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào tiếp tục gia tăng từ 25 - 65%, làm cho diện tích bị ngập do triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, thời gian xuất hiện sớm hơn.

Thống kê từ năm 1995 - 2017, diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL đã tăng từ 3,2 triệu héc-ta lên 4,2 triệu héc-ta, nuôi trồng thủy sản tăng từ 0,3 triệu héc-ta lên 0,8 triệu héc-ta, cây ăn trái tăng từ 0,2 triệu héc-ta lên 0,3 triệu héc-ta, làm gia tăng nhu cầu nước tưới. Việc đảm bảo toàn bộ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trong điều kiện BĐKH là thách thức lớn, đặc biệt trong mùa khô, nguồn nước ngọt hạn chế, xâm nhập mặn sâu và kéo dài, trong khi nhiều công trình cấp nước đã xuống cấp, năng lực cấp nước hạn chế...

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết, để giải quyết yêu cầu cấp thiết hiện nay, ngành chức năng đang triển khai thực hiện rà soát Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024. Thực tế, các công trình thủy lợi trước đây chủ yếu được thiết kế để tưới lúa, nay trước yêu cầu phục vụ nguồn nước đa mục tiêu (lúa, thủy sản, trái cây, nước sinh hoạt), cần thay đổi về công năng để đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn về thủy lợi mang tính vĩ mô và lâu dài hơn cho ĐBSCL.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đến năm 2024, các quốc gia đã xây dựng được 128 hồ (13 hồ trên dòng chính, 115 hồ trên dòng nhánh), với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ m3; dự kiến tăng lên 90 - 95 tỷ m3 vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ m3 khi hoàn thành 231 hồ (31 hồ trên dòng chính, 200 hồ trên dòng nhánh). Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng thêm hồ trữ nước và hệ thống trữ lũ và cấp nước quy mô cấp vùng để điều tiết, cung cấp nước ngọt chủ động cho vùng ĐBSCL

 

NGÔ CHUẨN