Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
(Nguồn: Internet)
Để được quyền sử ụng Nhãn hiệu chứng nhận, các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm sát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức phải được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia và hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận bao gồm nhóm gạo hạt dài, nhóm gạo hạt ngắn, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, cả nước đã xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo, trị giá 2,54 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 dự kiến tăng lên 6 triệu tấn, do nhu cầu tăng từ Đông Nam Á. Đặc biệt, Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là yếu tố cấp bách, nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường nông sản thế giới.
Theo Báo Tổ Quốc