Bạo lực gia đình - không phải chuyện trong nhà

01/09/2022 - 07:58

 - Thực tế trong đời sống, bạo lực gia đình dẫu kéo giảm đến mấy, vẫn thường xuyên xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ, không ít người cho rằng, đó là mâu thuẫn gia đình (nội bộ gia đình), hay mâu thuẫn xã hội xảy ra theo quy luật tự nhiên, chứ không nhìn nhận là bạo lực gia đình.

Nỗ lực của xã hội

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào hướng dẫn, củng cố, duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...

Nỗ lực lớn nhất của toàn tỉnh là cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, lãnh, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, xã, phường, thị trấn có ban hòa giải; khóm, ấp đều có tổ hòa giải, làm tốt công tác hòa giải ở địa phương về hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Hiện nay, 675/888 khóm, ấp có Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 597 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 392 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 345 đường dây nóng, góp phần hỗ trợ nạn nhân.

Hội thảo đóng góp sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Hàng năm, sở, ban, ngành, đoàn thể và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện tổ chức trên 800 cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, thu hút hơn 27.000 người tham dự. Nội dung xoay quanh bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ bạo lực, nâng cao năng lực... nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, phát huy vai trò của phụ nữ trong tình hình mới...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng góp phần quan trọng phòng, chống bạo lực gia đình. Phong trào được tuyên truyền đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, nhằm thực hiện tốt tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khóm/ấp văn hóa, cơ quan/đơn vị/doanh nghiệp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường/thị trấn văn minh đô thị.

Đến nay, toàn tỉnh có 507.051 hộ gia đình văn hóa, đạt 94% so tổng số hộ; 879 khóm/ấp văn hóa, đạt 100%; 85 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 71,4%; 27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 73%. Tình hình bạo lực gia đình được kiềm chế và giảm mạnh. Năm 2014, toàn tỉnh có 261 vụ, thì đến năm 2020 còn 35 vụ (giảm 226 vụ).

Cần sự điều chỉnh lớn

“Tuy nhiên, số liệu trên chỉ ở mức tương đối, bởi công tác thu thập báo cáo, thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình chưa khách quan, chính xác, kịp thời. Nạn nhân còn e ngại, không mạnh dạn trình báo chính quyền để được bảo vệ, kịp thời xử lý hành vi sai trái của người gây ra bạo lực gia đình. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác này vẫn chưa đầy đủ. Việc áp dụng biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết.

Vì thế, bạo lực gia đình vẫn tiếp tục xảy ra mà không được ngăn chặn kịp thời. Năng lực can thiệp của cộng đồng còn hạn chế, phần lớn hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình chỉ dừng ở mức hòa giải hoặc cảnh cáo, phạt nhẹ. Những người gây bạo lực không nhận thức được rằng đó là vi phạm pháp luật, có thể bị pháp luật xét xử” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn chia sẻ.

Bạo lực gia đình vẫn là vấn nạn dai dẳng, diễn ra với nhiều hình thức khác nhau; tính chất, mức độ của từng vụ, từng hành vi phức tạp, đa dạng. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, người già, trẻ em, thậm chí cả nam giới. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Bảo Trân phân tích: “Trên địa bàn tỉnh, rất ít trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Nguyên nhân nằm ở chỗ, các hành vi bạo lực gia đình trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành khó xác định chính xác, không đầy đủ do chưa được nhận diện đúng, gây nhiều cách hiểu khác nhau”.

Từ những bất cập này, cơ quan chức năng đề xuất nhà nước quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là Chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này sẽ buộc người đứng đầu địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm và trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý. Trách nhiệm giám sát người có hành vi bạo lực gia đình thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã. Đặc biệt, cho phép tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ. 

Mặt khác, cần xem xét, bổ sung thêm một số hành vi bạo lực gia đình; quy định về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tránh trường hợp người đó lấy ngân sách chung của gia đình để bồi thường cho người bị bạo hành; bổ sung quy định người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra vụ việc, chứ không phải là nạn nhân tìm cách “lánh nạn” như trước giờ.

Kỳ vọng rằng, việc sửa đổi luật sẽ phản ánh được thực tiễn cuộc sống, tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, bạo lực gia đình diễn biến nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp. Đừng để những khoảng trống của pháp luật về bạo lực gia đình tiếp tục khoét sâu nỗi đau của từng nạn nhân, từng gia đình.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sau gần 15 năm thực hiện. Tỉnh An Giang đã đóng góp về từ ngữ, cách diễn đạt trong dự án; quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình; điều khoản thi hành… Đồng thời, đề nghị quy định hình thức xử phạt hợp lý, khả thi đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, gắn với biểu dương, khen thưởng người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; bố trí ngân sách cho công tác này.

VẠN LỘC