Bảo tồn dược liệu vùng Bảy Núi

22/07/2022 - 07:36

 - Vùng Bảy Núi ở An Giang chủ yếu phát triển rừng và cây ăn trái với thảm thực vật phong phú. Trong đó, nguồn tài nguyên về cây thuốc rất đa dạng và quý hiếm. Nhu cầu sử dụng thuốc nam ngày càng tăng, trong khi dược liệu tự nhiên bị khai thác dưới nhiều hình thức khiến số lượng ngày càng giảm, thậm chí cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều người dân huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã chủ động sưu tầm, chăm sóc để góp phần giữ lại nguồn dược liệu quý giá.

Ông Phạm Văn Hải (Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cùng lương y Dương Văn Khoa dẫn chúng tôi tham quan khu vực trồng dược liệu rộng hơn 2ha ở vồ Bạch Tượng trên núi Cấm. Nguồn thuốc ở đây vừa là dược liệu thiên nhiên có sẵn, vừa có các cây thuốc sưu tầm từ các nơi về bổ sung. Ông Hải cho hay, nếu người nơi khác có nhu cầu xin thuốc, ông chỉ chia sẻ một số cây giống, chứ không cho tùy tiện khai thác nguyên cây.

“Khác với những nơi trồng dược liệu phổ biến, trồng xong khai thác hết, do ở đây nhiều chủng loại là cây thiên nhiên, chúng tôi muốn giữ lại nguồn thuốc của vùng núi xen dưới cánh rừng. Khai thác bứng nguyên cây thì nhất quyết không được” - ông Hải nhấn mạnh.

Từ năm 2018 đến nay, vườn thuốc ngày càng phong phú, chủ yếu là dược liệu được phát hiện quanh núi, tích góp trong nhiều năm mới hình thành nên “khu bảo tồn”. Ngoài ra, còn có lực lượng kiểm lâm hỗ trợ các cây giống quý để trồng bảo tồn (nhiều nhất là các loại ngải) và cho phép chia giống bằng cách chiết nhánh. Chỉ dạo vài vòng nhỏ, chúng tôi đã điểm danh rất nhiều loại thuốc nếu gặp thông thường chỉ nghĩ chúng như những loại cây, cỏ dại. Các loại dược liệu được tìm thấy nhiều nhất là hà thủ ô, kim cang, ngũ gia bì, đỗ trọng…

Bên cạnh đó, còn có ngải tượng (củ bình vôi) là một trong những loại dược liệu quý nhất, kế đến là đỗ trọng, cát lòi, sâm đại hành… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Ngoài ra, các loại: Mạch môn, sâm cao, ngải mọi, phong cương (gừng gió), kim ngân hoa… cũng rất quý. Riêng các loại gấm đen, mạnh trâu, chân chim, quỷ kiến sầu… chỉ có ở vùng núi này, hiếm tìm được ở nơi khác.

Khu bảo tồn dược liệu trên vồ Bạch Tượng, núi Cấm

Ông Dương Văn Khoa (lương y tại phòng thuốc nhân đạo xã An Hảo) cho biết, ở đây có một số cây lâu năm, điển hình như huyết rồng, có cây đến trăm năm tuổi, được lấy phần thân bào chế, có tác dụng bổ máu. Từng sải bước, ông Khoa khéo né các bụi cây nhỏ, nâng niu và giới thiệu tên, công dụng… Ông Khoa đã ghi chép được 63 loại cây thuốc trong phạm vi do ông Hải khoanh vùng trồng bảo tồn. Trong đó, nêu chi tiết tên, giống, đặc điểm, phân tích công dụng một cách tường tận để gửi đến Chi cục Kiểm lâm bổ sung vào danh sách “dự án bảo tồn cây thuốc”.

“Mỗi cây thuốc ở đây kết hợp với nhau tạo thành những đơn thuốc hữu hiệu chữa bệnh. Có một số người đến xin cây thuốc để chữa bệnh, nhưng cách khai thác không “nhẹ nhàng” mà tàn phá hết cây. Chúng tôi luôn để ý, giữ gìn, bởi việc sưu tầm, nuôi dưỡng thời gian qua rất kỳ công, vất vả. Giữ lại lúc này là giữ cho nhiều thế hệ sau, chứ không phải để làm của riêng” - ông Khoa trần tình.

Ở núi Dài Năm Giếng (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), quá trình trồng dược liệu gắn liền với việc làm kinh tế bằng trồng trọt của người dân. Từ núi Cấm chuyển về đây định cư, lập nghiệp, 3 năm trước, anh Đặng Thanh Hòa mua đất trồng xoài, đồng thời xuống giống các loại ngải phục vụ bào chế dược liệu. Anh Hòa cho biết, học theo người đi trước, anh chọn cây ăn trái dễ sinh trưởng, nhất là xoài. Dưới tán xoài, anh trồng xen ngải xanh, ngải đen, ngải trắng, ngải vàng... để khai thác lấy củ. Trong đó, củ ngải đen là quý hiếm nhất vì tính dược cao, chỉ trồng được số ít do nguồn giống khó tìm.

Cây ngải được trồng từ đầu mùa mưa, chỉ cần làm cỏ, rải ít phân bón hữu cơ, đúng 1 năm cây tàn rụi hết lá thì mới có thể khai thác lấy củ, lúc này ngải mới đạt độ dược cao. Mỗi năm, nhóm của anh Hòa hơn chục người tham gia trồng ngải, khai thác được 5-6 tấn tặng cho các nhà thuốc hoặc để người dân tự đến lấy. Ngoài anh Hòa, những người làm vườn trên núi Dài Năm Giếng tận dụng đất trồng vườn xen vào các loại dược liệu, tổng cộng hơn 10 công. Anh Hòa còn vận động được thêm nhiều hộ tiếp tục cho mượn 10 công đất để xen vào cây ngải và một số dược liệu khác phù hợp thổ nhưỡng.

Ngoài ra, ở vùng núi Dài (huyện Tri Tôn) cũng có nhiều nơi trồng dược liệu cung cấp cho các nhà thuốc từ thiện. Điển hình tại xã Châu Lăng, đội chuyên trồng và mở phòng thuốc nam do ông Sáu Ấn vận động đã hình thành được hơn chục năm. Nhờ một nhà hảo tâm ở tỉnh Hậu Giang mua đất, đội của ông Ấn đảm nhận bảo vệ 35 công đất thuộc địa phận thị trấn Ba Chúc. Tại đây có hơn chục loại ngải, các loại dược liệu trị bệnh gan, nhức mỏi… hoàn toàn không xen lẫn cây ăn trái. Nguồn thuốc phục vụ không riêng nhà thuốc ở địa phương mà cả các nhà thuốc của tỉnh Hậu Giang.

“Đặc biệt, có nhiều dược liệu quý, không chỉ khó tìm mà giá thành rất cao, đến vài triệu đồng/kg. Người bệnh tìm đến nhà thuốc đa số là hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ở xa, kể đến chi phí là cả một gánh nặng, nên giá nào chúng tôi cũng phải giúp đỡ. Do đó, quan trọng là công “sưu”, còn trồng thì rất dễ, chẳng hạn hơn 10.000 cây sạ đen, tôi vận động trồng thoáng cái là xong. Cây quý mà thiếu người giữ thì cũng không còn. Nhiều người, thậm chí cả gia đình thay nhau lên núi chăm sóc, làm cỏ xuyên suốt” - ông Ấn cho hay.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển và bảo tồn dược liệu địa phương. Các vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu được hình thành ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, mục đích bảo tồn gắn liền với lợi ích phát triển kinh tế của dân bản địa. Nhờ đó, người dân đã phát huy trách nhiệm, đóng góp tùy tâm tùy sức, góp phần giữ lại các cây thuốc quý của vùng Bảy Núi.

MỸ HẠNH