Bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc thiểu số

13/06/2019 - 07:48

 - Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) là những giá trị vật chất, tinh thần được bảo lưu và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong dòng chảy toàn cầu hóa, phát triển văn hóa truyền thống các DTTS nhằm lưu giữ tính đa dạng của văn hóa Việt Nam và làm phong phú kho tàng văn hóa nhân loại.

An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, nhiều nhất là 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer và một bộ phận là người DTTS Mường, Nùng, Thái… cùng cộng cư, do đó di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Hiện, toàn tỉnh có 86 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (di tích chùa ông Bắc (TP. Long Xuyên), Thánh đường Hồi giáo Mubarak (TX. Tân Châu) và chùa Svayton (Tri Tôn). Ngoài ra, còn có 2 di tích cấp tỉnh là chùa Snaydonkum và chùa Svay Ta Nấp. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác của các DTTS trên địa bàn tỉnh, nhất là các chùa của đồng bào Khmer, các cơ sở thờ tự của người Hoa, các thánh đường của người Chăm...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trương Bá Trạng cho biết, các tín ngưỡng dân gian, bản sắc truyền thống của đồng bào được bảo tồn khá tốt, được giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng và với du khách. Bên cạnh việc tăng cường quản lý, Sở VH-TT&DL có kế hoạch trùng tu, kiểm kê các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các DTTS. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn các di tích có giá trị tiêu biểu để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

Hòa thượng Chau Ty đóng góp xuất sắc trong việc giữ gìn, trao truyền nghệ thuật khắc Kinh trên lá Buông cho thế hệ kế thừa

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, loại hình di sản văn hóa của các DTTS rất phong phú, là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, được giữ gìn, phát huy. Sở VH-TT&DL chú trọng việc kiểm kê, sưu tầm “Nghi lễ vòng đời”  và âm nhạc dân tộc Chăm; thống kê về thực trạng sử dụng tiếng nói, chữ viết các DTTS; sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể Kinh lá Buông dưới dạng lưu giữ nguyên bản gốc và chép đĩa; lập hồ sơ khoa học 2 di sản của đồng bào Khmer được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer. Đồng thời, tăng cường bảo tồn, phục hồi những giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một, thất truyền. Theo đó, tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật khắc chữ trên lá Buông, mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu đàn Ch’pay cho 16 học viên người Khmer. Đề xuất hỗ trợ cấp 9 bộ trống Paranưng cho 9 làng Chăm, trao 20 bộ nhạc cụ ngũ âm cho 20 chùa Khmer ở 5 huyện... Đặc biệt, Sở VH-TT&DL lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân nhằm tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân DTTS có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đến nay, đã có 21 nghệ nhân ưu tú và 2 nghệ nhân nhân dân được phong tặng là nghệ nhân Chau Ty (khắc Kinh trên lá Buông), nghệ nhân Chau Mon Sa Rây (nghệ thuật Dì kê)…

Cùng với đó, tỉnh triển khai hiệu quả việc bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc để đồng bào các DTTS học hỏi, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng. Tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội mang tính chất quốc tế do Bộ VH-TT&DL tổ chức hoặc các hoạt động giao lưu văn hóa của các địa phương trên thế giới, nhất là các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh, qua đó giới thiệu đến bạn bè quốc tế về hình ảnh, con người và văn hóa đặc trưng của tỉnh. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay của các vùng miền trên thế giới để hoàn thiện và làm phong phú nét văn hóa địa phương.

 HỮU HUYNH