Bảo vệ sản xuất mùa mưa, lũ

21/08/2024 - 20:34

 - Dù đỉnh lũ năm 2024 vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng cao hơn cùng kỳ 2023, được dự đoán là “lũ đẹp” khi cung cấp đủ lượng nước cho đồng ruộng, mang nguồn sinh kế cho người dân nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, lũ về kết hợp mưa và triều cường dễ gây nhập úng, vỡ đê xung yếu, ảnh hưởng sản xuất vụ thu đông 2024, cần chủ động ứng phó từ sớm, từ xa.

Đề phòng lũ kết hợp triều cường dâng cao

Nước về sớm hơn

Sinh sống ở đầu nguồn sông Cửu Long, lão nông Nguyễn Văn Gấu (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phấn khởi khi thấy năm nay con nước lên đồng sớm hơn. “Kinh nghiệm cho thấy, nước về sớm sẽ có lũ tương đối khá. Bên cạnh tạo thu nhập cho người dân khai thác cá, hái rau, bông súng bán kiếm tiền, lũ về còn rửa sạch đồng ruộng, cung cấp phù sa, giúp sản xuất vụ lúa đông xuân thuận lợi và giảm chi phí” - ông Gấu phân tích.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 7/2024 là 47,4 tỷ m3, đạt trung bình 17.704m3/giây, cao hơn 29% so cùng kỳ và cao hơn 19% so TBNN.

Từ giữa tháng 7, do ảnh hưởng lượng nước lũ sông Mekong truyền về kết hợp thủy triều dâng cao, mực nước trên các sông, kênh khu vực đầu nguồn lên nhanh, biên độ nước lên tại các trạm Tân Châu, Khánh An, Châu Đốc từ 0,9 - 1,7m. Mực nước cao nhất tháng 6 và 7 tại các trạm đều ở mức cao hơn cùng kỳ từ 0,15 - 1,3m.

Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), từ giữa tháng 7, do mực nước khu vực đầu nguồn dâng cao kết hợp lượng mưa nội vùng gia tăng, nên mực nước tại các trạm dâng cao, mực nước cao nhất và thấp nhất đều cao hơn cùng kỳ từ 0,05 - 0,45m. Trong khi đó, mực nước cao nhất tháng 7 trên sông Hậu tại Long Xuyên đạt 2,12m, thấp hơn 0,08m so mức báo động (BĐ) 2; trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới 2,16m, trên BĐ1 là 0,16m.

Trong nửa đầu tháng 8, mực nước trên các sông, kênh, rạch trong khu vực tỉnh xuống dần. Đến giữa tháng 8, mực nước cao nhất tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông đều thấp hơn cùng kỳ từ 0,05 - 0,3m; khu vực nội đồng TGLX, mực nước ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ từ 0,1 - 0,3m.

Lũ cao hơn năm 2023

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, trong nửa cuối tháng 8 đến tháng 12/2024, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh có khả năng ở mức cao hơn TBNN từ 0,4 - 1,10C; tháng 1 - 2/2025 ở mức xấp xỉ TBNN. Trong khi đó, từ tháng 9 - 11/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển từ pha trung tính sang La Nina và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 5 - 15%.

Trong tháng 9, 10, khả năng có những đợt mưa lớn trên diện rộng, một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to, kéo dài 5 - 10 ngày. Khoảng từ giữa tháng 10 trở đi, không khí lạnh bắt đầu tăng cường, nén rãnh áp thấp về phía Nam, vị trí rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực nên thời tiết trong phạm vi An Giang diễn biến xấu.

Ông Lưu Văn Ninh cho biết, mùa mưa năm 2024 có khả năng kết thúc muộn hơn TBNN, phổ biến trong khoảng từ ngày 25/11 - 5/12. Từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN.

Sau khi mùa mưa kết thúc, khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa với diện mưa khá rộng, tổng lượng mưa xấp xỉ và cao hơn TBNN. “Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh” - ông Ninh lưu ý.

Trong nửa cuối tháng 8, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong biến đổi chậm; từ đầu tháng 9, mực nước sẽ tăng nhanh và có khả năng đạt mức cao nhất năm trong khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất năm 2024 trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức xấp xỉ BĐ1, trên sông Hậu tại Khánh An và Châu Đốc trên BĐ1 khoảng 0,1 - 0,2m, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 từ 0,1 - 0,3m; thời gian xuất hiện khoảng giữa tháng 10.

Đối với khu vực nội đồng TGLX, mực nước cao nhất năm 2024 có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐ1, riêng các trạm Vọng Thê, Vĩnh Hanh, Núi Sập có khả năng xấp xỉ BĐ2, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 khoảng 0,1 - 0,3m; thời gian xuất hiện khoảng cuối tháng 10.

Ở vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao có khả năng xấp xỉ BĐ2, trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới dưới BĐ3 từ 0,15 - 0,25m; trên sông Hậu tại Long Xuyên trên BĐ3 từ 0,15 - 0,25m; thời gian xuất hiện khoảng nửa cuối tháng 10.

Từ tháng 11 - 12/2024, do ảnh hưởng của quá trình lũ thượng nguồn sông Mekong và triều cường vùng hạ lưu sông, mực nước trên các sông, kênh, rạch trong phạm vi tỉnh sẽ xuống dần nhưng vẫn còn ở mức cao. Từ tháng 1 - 2/2025, mực nước biến đổi theo triều với xu thế xuống dần và ở mức cao hơn TBNN.

Trong mùa khô 2024 - 2025, xâm nhập mặn vùng cửa sông thuộc tỉnh Kiên Giang khả năng xuất hiện muộn hơn TBNN. Độ mặn cao nhất ở mức xấp xỉ TBNN, khả năng xuất hiện những đợt độ mặn tăng cao đột biến do nước biển dâng, ảnh hưởng của các đợt gió mùa đông bắc mạnh trong tháng 1 - 2/2025.

Diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang (tại 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn) còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, quá trình vận hành hệ thống thủy lợi nội vùng TGLX. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025.

Cần đề phòng khả năng gây ngập lụt, úng tại các khu vực có địa hình trũng, thấp, vùng ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại TP. Long Xuyên trong các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng.

NGÔ CHUẨN