Bảo vệ sản xuất, ổn định đầu ra nông sản

30/05/2024 - 06:29

 - Những tháng đầu năm 2024, các ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh đều thuận lợi phát triển, dự báo tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng vượt kịch bản đề ra. Từ nay đến cuối năm, tình hình mưa, bão, lũ, thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi cần có sự chủ động bảo vệ từ sớm, từ xa.

Tập trung bảo vệ sản xuất

Tiếp đà tăng trưởng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong 5 tháng đầu năm nay diễn biến khá thuận lợi, trong điều kiện giá lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 duy trì cao từ đầu vụ, hầu hết diện tích kế hoạch được các địa phương xuống giống đạt kế hoạch đề ra (hơn 99%).

Tình hình sâu bệnh được kiểm soát chặt chẽ và thời tiết thuận lợi, diện tích và năng suất lúa đông xuân tương đương cùng kỳ 2023. Diện tích nếp và các giống lúa chất lượng (Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines, OM18...) tăng hơn so cùng kỳ. Đối với vụ hè thu 2024, đến nay đã xuống giống cơ bản đạt kế hoạch (228.009ha).

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi nên quy mô đàn chăn nuôi có xu hướng tăng. Về thủy sản, có những tính hiệu phục hồi đối với thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, khả năng tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong tháng 5 và 6 sẽ khả quan hơn những tháng đầu năm 2024. Qua đó, Cục Thống kê ước khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng năm 2024 tăng 3,07%, cao hơn kịch bản (kịch bản tăng 3,04%).

Theo dự báo, từ tháng 8 - 10/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào Việt Nam. Từ nay đến tháng 10/2024, nhiệt độ trung bình vẫn cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 - 1,50C. Từ cuối tháng 5 đến tháng 6, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN; từ tháng 7 - 10/2024, tổng lượng mưa cao hơn TBNN, mưa sẽ tập trung nhiều vào khoảng thời gian này; đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng).

Từ nay đến tháng 7, các hệ thống sông, kênh trong phạm vi tỉnh An Giang tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mực nước dao động theo xu thế triều. Đến cuối tháng 7/2024, mực nước cao nhất khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức từ 1,8 - 2,5m (tại Khánh An 2,3 - 2,5m, Tân Châu 1,9 - 2,1m, Châu Đốc 1,8 - 2m), đỉnh lũ đầu nguồn tại Tân Châu, Châu Đốc dự báo xấp xỉ mức báo động 1.

Không chủ quan, lơ là

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để ứng phó với thiên tai, thời tiết, bảo vệ sản xuất và an toàn tính mạng, tài sản của người dân, từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh truyền thông trên cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh địa phương để thông tin, phổ biến rộng rãi tình hình khí tượng, thủy văn, các biện pháp phòng tránh các loại hình thiên tai thường xảy ra, đặc biệt là mưa, giông, sét, sạt lở đến từng người dân, hộ gia đình.

Đồng thời, củng cố hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng, chủ động xử lý giờ đầu, giảm thiểu đến mức thấp nhất khi có sự cố thiên tai xảy ra. Khi có thiên tai xảy ra, chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng Nhân dân.

Các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện quản lý, vận hành đóng, mở hợp lý hệ thống cống để điều tiết nước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh ở từng khu vực, thời điểm sản xuất; chủ động hệ thống công trình trạm bơm tưới, tiêu đảm bảo cấp nước và chống úng kịp thời.

Các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí được giao để thực hiện đầu tư các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, gia cố đê bao, sửa chữa cống bọng, trạm bơm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, khắc phục thiệt hại thiên tai, phục vụ sản xuất và dân sinh. Sở NN&PTNT An Giang sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT An Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi sản xuất vụ hè thu 2024; theo dõi tình hình sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa nếp, rau màu và cây ăn trái vụ hè thu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng trên lúa, cây ăn trái theo kế hoạch; phối hợp địa phương triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đúng theo lộ trình đề ra.

Ngành chăn nuôi và thú y tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, trong đó chú ý các bệnh: Cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh ở heo, dại chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò; tăng cường tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tuyến biên giới phối hợp kiểm tra dịch bệnh, nắm thông tin tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ những doanh nghiệp, như: Lộc Trời, Angimex Kitoku, Đại Dương Xanh, Angimex, Hoàng Phát Fruit, Antesco... triển khai kế hoạch liên kết sản xuất vụ hè thu và xúc tiến liên kết vụ thu đông 2024 trên địa bàn tỉnh.

NGÔ CHUẨN