Bầu cử Tổng thống Afghanistan: Cuộc tái đấu giữa 2 nhân vật hàng đầu

28/09/2019 - 15:22

Hàng triệu cử tri Afghanistan ngày 28-9 đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này sau 2 lần trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau.

Gần 10 triệu cử tri Afghanistan đã đăng ký bỏ phiếu, với mong muốn tìm ra một nhà lãnh đạo có khả năng xây dựng hòa bình và ổn định cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Sự kiện thu chút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang đắm chìm trong bạo lực và Mỹ chưa thể ký hiệp ước hòa bình với nhóm nổi dậy Taliban. Bất kỳ ứng cử viên nào giành chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với trùng trùng thách thức và thậm chí là mang tính quyết định đối với cuộc chiến ở nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hàng triệu cử tri Afghanistan ngày 28-9 đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này. Ảnh: Al Jazeera

Cũng giống như lần trước, cuộc bầu cử lần này vẫn là cuộc tái đấu giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền (tương đương chức vụ Thủ tướng), ông Abdullah Abdullah. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 4 tại Afghanistan kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001.

Đối với Tổng thống Ashraf Ghani, người tới nay vẫn kiên quyết với lập trường đứng ngoài các cuộc đàm phán giữa Mỹ và nhóm nổi dậy Taliban, cuộc bầu cử này là cơ hội để chứng minh ông vẫn là nhân vật chính trị quan trọng bậc nhất và có thể viết nên trang sử mới cho đất nước. Bất chấp các vấn đề an ninh, nhiều người Afghanistan đánh giá cao các chính sách chống tham nhũng của ông Ghani, mở cửa các hành lang kinh tế với các cường quốc khu vực và bổ nhiệm những người trẻ, có học thức vào các vị trí hàng đầu của chính phủ.

“Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử minh bạch và tân tổng thống có thể đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và đạt được hòa bình và ổn định”, một người dân bày tỏ.

“Quan điểm của tôi về cuộc bầu cử là tất cả chúng ta phải đi bỏ phiếu và bầu ra người xứng đáng. Một vị Tổng thống tốt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả tất cả mọi người”, một người khác cho biết.

Năm năm trước, ông Ghani dù giành chiến thắng, song lại vướng vào bê bối gian lận phiếu bầu, dẫn tới cuộc tranh giành quyền lực chính trị ác liệt với ứng cử viên Abdullah và buộc Mỹ phải can thiệp, thuyết phục hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyền lực. Và lần bầu cử này, ông Abdullah một lần nữa cáo buộc ông Ghani lợi dụng quyền lực và tiền để mua phiếu bầu, thao túng kết quả bầu cử.

Dù đương kim Tổng thống vẫn được dự đoán nhiều khả năng giành chiến thắng, song sự phụ thuộc của chính quyền Afghanistan hiện nay vào Mỹ có thể là lợi thế cho ông Abdullah và khiến bầu cử diễn ra cân bằng hơn. Hơn nữa, sự khác biệt chính trị giữa hai ứng cử viên hàng đầu này là không quá lớn và vấn đề thực sự nằm ở chiến lược đàm phán với Taliban. Ông Abdullah từng tuyên bố trong trường hợp đàm phán với Taliban, nếu đắc cử và nếu phải đưa ra quyết định vì hòa bình, ông sẵn sàng từ bỏ quyền lực để nhường chỗ cho một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ngoài những tính toán và mong muốn chính trị, điều mà người dân Afghanistan chờ đợi ở cuộc bầu cử này chính là an ninh. Thời gian qua, phiến quân Taliban đã tấn công một số điểm bỏ phiếu để phản đối và đe dọa cử tri, khiến nhiều người thương vong. Ước tính, khoảng 1/3 trên tổng số hơn 7.000 điểm bỏ phiếu ở Afghanistan đã phải đóng cửa do lo ngại Taliban tấn công. Để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, hàng chục nghìn nhân viên an ninh nước này đã được triển khai trên khắp 34 tỉnh.

Một người dân Kabul chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất đối với Afghanistan là an ninh. Mỗi ngày, những người khác nhau đến cửa hàng của tôi và phàn nàn với tôi rằng họ không cảm thấy an toàn khi ra đường.”

“Trong vài năm qua, đã có một số thay đổi tích cực trong nền kinh tế và trong các mối quan quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, tình hình an ninh đã trở nên tồi tệ hơn và cơ hội việc làm trở nên ít hơn. Với tôi, nền tảng của ứng cử viên Tổng thống không quan trọng, mà là họ có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của người dân và đất nước”, một người khác cho biết.

Theo THU HOÀI (VOV)