Bệnh tay - chân - miệng tăng cao

23/06/2023 - 07:56

 - Đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), đã có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc TCM có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Bệnh đang “nóng”, với số ca mắc tăng ở khu vực phía Nam. An Giang có gần 600 ca mắc TCM (chưa có tử vong); UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiều văn chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh.

Số ca mắc tăng nhanh

Cảnh báo bệnh TCM gia tăng, nhiều trẻ chuyển nặng, ThS.BS Trang Thanh Minh Châu, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết: “Thường bệnh TCM cao điểm tháng 4, tháng 9 đến 12, năm nay, mới tháng 6 nhưng số ca mắc tăng vọt. Tháng 4/2023, có 40 ca bệnh nằm tại bệnh viện, nhưng qua nửa tháng 6, lượng bệnh tăng gấp đôi. Bệnh tăng nhanh, nhiều và sớm, mức độ nặng, diễn tiến nặng hơn năm ngoái. Nhiều ca chuyển nặng trong tình hình thiếu thuốc điều trị TCM, bệnh viện linh động chuyển tuyến trên những ca nặng và sử dụng thuốc đặc trị TCM. Đồng thời, có dự trù một số thuốc đặc trị TCM, để kịp thời điều trị ca nặng”.

Trước tình hình bệnh TCM tăng, chưa có vaccine phòng bệnh, chủ yếu điều trị triệu chứng, phòng biến chứng cho trẻ, thông thường bệnh nhân sẽ hồi phục trong khoảng 7 đến 10 ngày. Do đó, vấn đề phòng bệnh là chính. BS Minh Châu cho biết: “Không để lây lan thành dịch, mỗi gia đình cần tăng sức đề kháng cho bé, để tỷ lệ nhiễm bệnh ít, nếu có nhiễm bệnh mà sức đề kháng tốt thì bệnh cũng nhẹ hơn. Cha mẹ thường xuyên theo dõi trẻ triệu chứng TCM, sớm nhất là tình trạng sốt, nổi hồng ban, bóng nước tay chân, các nốt ở miệng... Người nhà thường nhầm tưởng con bị đẹn, nên dễ bỏ qua triệu chứng bệnh TCM, không theo dõi. Trong khi bệnh TCM diễn tiến nặng rất nhanh, có thể trong 5 - 6 giờ là diễn tiến nguy kịch”.

BS Minh Châu cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, các bậc phụ huynh đã hiểu biết, có kiến thức hơn, nâng cao ý thức phòng bệnh. Hầu hết đưa con đến bệnh viện sớm khi con vừa sốt, nên khá thuận lợi trong điều trị”.

Đang chăm sóc con tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Hiền (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Bé được 4 tuổi, ở nhà với ngoại, bị nóng sốt 2 ngày, đi chích thuốc không hạ sốt nên đi bệnh viện điều trị. Vào đây được bác sĩ tận tình điều trị nên bé nhanh khỏe”. Còn chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Năm trước, bé có bị TCM, năm nay bé bị y vậy. Thấy miệng bé nổi loét, đau, sốt là biết bị TCM nên đưa vào bệnh viện điều trị cho an tâm”. 

Qua phỏng vấn, hầu hết phụ huynh không hiểu vì sao trẻ ở nhà nhưng vẫn nhiễm bệnh. BS Minh Châu giải đáp: “Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao chính là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Do hệ miễn dịch của trẻ còn kém, rất dễ bị virus xâm nhập và gây bệnh. Bệnh TCM có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng của người bệnh... Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn diễn biến không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả.

Tăng cường phòng, chống

Để hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh TCM, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Ngành y tế chủ động phối hợp UBND cấp huyện, sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Để thực hiện tốt công tác cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả bệnh TCM, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Đã yêu cầu các đơn vị y tế chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các đơn vị điều trị, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo kịp thời thu dung, điều trị người bệnh TCM. Tập huấn cho tất cả nhân viên y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh; lấy mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân có phân độ lâm sàng từ 2b trở lên. Tăng cường theo dõi người bệnh TCM đang nằm điều trị nội trú, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên”.

BSCK II Tôn Quang Chánh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết: "Bệnh viện tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời, chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy thở, phòng bệnh... Hiện, bệnh viện đang điều trị bệnh TCM hơn 40 trẻ; có dự phòng thêm 1 khu 60 giường để phòng khi số ca bệnh tăng cao". 

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh TCM và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục và đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, để phòng tránh bệnh, cần thực hiện 3 sạch: Bàn tay sạch là người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn uống sạch là ăn chín, uống nước đun sôi để nguội và ở sạch là thường xuyên lau sạch sàn nhà, các bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày. 

HẠNH CHÂU