Mùa thu hoạch cây ăn trái năm nay, nông dân vùng ven biên rất vui, vì trái cây được mùa lẫn được giá. Đầu vụ, xoài keo có giá từ 14.000 - 22.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Cận Tết, thương lái các nơi đổ về đây tìm nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán rất đông, làm cho không khí Tết đến với vùng đất này sớm hơn mọi năm.
Nếu ở các huyện đồng bằng, dân ven biên chuẩn bị cho mùa thu hoạch lúa nếp, đặc sản, như: Cá lóc bông, trạch lấu, cá mè hôi, tai tượng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán thì ở các huyện miền núi, như: Tri Tôn, Tịnh Biên, cư dân nơi đây chuẩn bị vào mùa quết cốm dẹp, thu hoạch lúa mùa nổi, nàng nhen, làm bột huyền (xuất ra ngoài tỉnh); thu hoạch bưởi da xanh, quýt hồng, quýt đường để bán Tết.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, nông dân vận chuyển nông sản dễ dàng
Chị Hoa Rây (chủ vựa trái cây xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, dưới chân núi Cấm) cho biết, với khu vực miền núi này thì mùa nào thức đó. Mùa mưa thì có măng tre, bơ sáp, chanh dây, su su, mãng cầu; cận Tết, ngoài trái xoài còn có bưởi, quýt đường, quýt hồng và nhiều loại cây trái khác.
“Từ khi cả nước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, du khách trong và ngoài nước đến vùng Bảy Núi rất đông. Ngoài du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, du khách còn tìm mua các loại đặc sản địa phương, từ đó mà việc mua bán sớm trở lại bình thường, trái cây trên núi được tiêu thụ mạnh, đời sống người làm vườn, chủ vựa trái cây đỡ hơn rất nhiều…” - chị Hoa Rây chia sẻ.
20 năm trước, nói đến mùa thu hoạch cây ăn trái, người dân cả nước nghĩ đến vùng Thất Sơn hùng vĩ, bởi chỉ có vùng đất này có diện tích đất rộng, trồng đủ loại cây ăn trái. Vùng đất đồng bằng, như: Huyện Chợ Mới, An Phú, Châu Phú, Thoại Sơn chỉ độc canh canh lúa. Thời điểm đó, đa phần các huyện sản xuất lúa 1 vụ. Kể từ khi Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng đất, kinh tế của người dân ven biên ngày một giàu lên.
Thời điểm đó, bên cạnh chủ trương chuyển dịch, nhà nước đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm, đẩy mạnh khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên… Dọc tuyến biên giới An Giang, từ huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú đến TX. Tân Châu, chính quyền cùng người dân nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất, từ độc canh sang đa canh, từ sản xuất để ăn sang sản xuất để bán, từ 1 vụ sang luân vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó có trái xoài keo, xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng da xanh. Cây có múi, sầu riêng, bưởi, cam xoàn, quýt đường, quýt hồng và nhiều cây trồng khác. Sản phẩm vừa bán thị trường nội địa và xuất khẩu, mở ra nhiều cơ hội, việc làm cho lao động tại địa phương. Số hộ nghèo ở các xã ven biên giảm dần, thay vào đó số hộ giàu, hộ thoát nghèo nhiều hơn.
Ở huyện An Phú ngày nay, các địa phương, như: Xã Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái nông dân đã chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng xoài xuất khẩu. Diện tích chuyển đổi đến nay gần 300ha. Còn ở xã Vĩnh Xương, Phú Lộc của TX. Tân Châu, chính quyền đã cho thực hiện công trình bờ bao bảo vệ cây ăn trái lên đến 600ha. Dân trong vùng vui mừng, nhanh chóng chuyển đất làm lúa kém hiệu quả sang trồng xoài xuất khẩu, trồng bưởi da xanh để bán cho thị trường. Hiện, toàn tỉnh có trên 10.000ha xoài, trong đó, 5 địa phương biên giới có diện tích chiếm gần 1/3. Điều đó cho thấy, tính năng động, sáng tạo của người dân vùng biên giới An Giang đối với chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của Chính phủ.
Còn nhớ, ngày 18/5/2019, UBND tỉnh kết hợp Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) tổ chức lễ công bố xuất khẩu 1 tấn xoài cát Hòa Lộc đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ cho thấy, ngoài xuất khẩu lúa gạo, cá tra, rau củ quả, An Giang còn xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính, mở ra triển vọng lớn cho nông nghiệp An Giang.
“Chúng tôi rất vui mừng, bởi lẽ đã chứng minh được trình độ sản xuất trái cây của nông dân xứ núi, vùng Thất Sơn không còn độc canh cây lúa, con bò; xoài xuất khẩu được, giá cao hơn thị trường nội địa, đời sống người làm vườn được nâng lên” - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) Bùi Văn Quý phấn khởi.
Biên giới vào mùa thu hoạch cây ăn trái đã mở ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Người dân ở các xã ven biên, như: Xuân Tô, An Nông (Tịnh Biên), Khánh Bình, Khánh An (An Phú), Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu) có thêm việc làm tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, vườn cây ăn trái, giúp cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập...
“Nhờ vào chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà con vùng đất này mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, không còn độc canh cây lúa, mà đã đa dạng cây trồng, vật nuôi, như: Trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, củ huyền làm bột, các loại nghệ, ngải làm thuốc đông y, tân dược. Ngoài nuôi bò, còn nuôi các động vật khác, như: Dê, nhím, trăn, rắn, rùa. Gần đây, trồng thêm cây sầu riêng, cam, quýt, chanh, bưởi, nhờ đó mà đời sống ngày càng khấm khá…” - ông Huỳnh Linh Hải (nông dân sản xuất - kinh giỏi cấp tỉnh, ngụ xã An Phú, huyện Tịnh Biên) nói.
|
MINH HIỂN