Việc ban hành khung kiến trúc mới là nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh.
Đồng thời, hình thành và triển khai áp dụng hệ thống kiến trúc Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với một trong các mục tiêu đặt ra là tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc.
Một điểm mới của khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 so với phiên bản 2.0 là đã bổ sung Trung tâm Dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong Nghị quyết 175 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt ‘Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia’.
Mới đây, ‘Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số’ đã được Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung một số nội dung để thống nhất với thực tiễn triển khai ‘Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia’.
Theo đó, trong sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam, tên gọi ‘Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia’ được điều chỉnh thành ‘Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia’.
Cùng với đó, quy định về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cũng có sự điều chỉnh, bổ sung vai trò của nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Cụ thể, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì triển khai với mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo hình thức kết nối tập trung và hình thức kết nối trực tiếp theo mô hình phân tán.
Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đặt tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với nhau thông qua nền tảng chia sẻ điều phối dữ liệu của trung tâm này.
Liên quan đến việc phát triển và kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết luận hội nghị hồi trung tuần tháng 7/2024 giữa thường trực Chính phủ với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một trong những kết quả nổi bật về chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian qua là cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng như dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo... được vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.
Theo báo cáo của bộ phận thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trước năm 2020, chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp được vận hành; đến năm 2024, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm đã hoàn thành, các cơ sở dữ liệu khác cũng đang gấp rút hoàn thiện.
Trước năm 2020, các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ sở dữ liệu còn manh mún; đến năm 2024, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình với tổng số gần 3.000 cơ sở dữ liệu.
Triển khai chiến lược dữ liệu quốc gia, đến thời điểm tháng 9/2024, đã có 10 địa phương gồm Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Hà Nam, Đắk Lắk ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược này đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh mình.
Về kết nối chia sẻ dữ liệu, năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 11,5 triệu; đến giữa tháng 7/2024, lũy kế số giao dịch qua nền tảng này đã là 2,3 tỷ giao dịch, với 95 đầu mối kết nối của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc.