2 mặt hàng buôn lậu chính
Ở thời điểm cuối năm, 2 mặt hàng được các đối tượng buôn lậu ngày đêm tìm cách đưa qua biên giới, áp tải sâu vào nội địa để đưa đến các thị trường như: TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tiêu thụ, kiếm lời vẫn là đường cát và thuốc lá điếu ngoại. Điểm khác biệt so với thời điểm cuối năm rồi là đa phần các đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức và đưa hàng qua biên giới với số lượng lớn. Để đảm bảo hàng hóa được an toàn trong quá trình vận chuyển, các tổ chức này cho người theo dõi lực lượng chức năng, “canh” đường đi rất thận trọng. Quá trình đưa hàng từ biên giới vào sâu nội địa, chủ hàng giao trách nhiệm cho người vận chuyển, khi bị bắt thì bịt kín đầu mối, tự nhận và tự chịu trách nhiệm, chứ không khai báo người cầm đầu. Đây là thủ đoạn khiến công tác phòng, chống buôn lậu gặp không ít khó khăn.
“Trước những thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng từ biên giới đến nội địa có kế hoạch đấu tranh, phòng, chống như: ngành công an tổ chức điều tra đối tượng buôn lậu ở các địa bàn để có biện pháp đấu tranh; ngành hải quan, biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và hàng hóa qua lại biên giới. Từng ngành có kế hoạch đấu tranh, triệt xóa các đường dây và băng nhóm buôn lậu trên tuyến biên giới. Ngành quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức đánh điểm trong nội địa. Thời gian qua, ngành chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức ký quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Chính cách làm này đã góp phần hạn chế được tình trạng buôn lậu, triệt xóa được các đường dây buôn lậu lớn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.
Ngoài đường cát, mặt hàng thuốc lá điếu được các đối tượng buôn lậu đưa từ biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ
Các lực lượng chức năng chống buôn lậu “bóc gỡ” các đường dây buôn lậu có tổ chức trên khu vực biên giới
Đấu tranh, triệt xóa
Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm qua, công tác đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các lực lượng chức năng tổ chức thường xuyên và ở thời điểm cuối năm, công tác này được gia tăng hơn.
Kết quả, trong tháng 10, 11 và 12, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phối hợp triệt xóa được nhiều vụ buôn lậu, bắt giữ nhiều tang vật và phương tiện vận chuyển. Điển hình ngày 4-11-2019, Đoàn kiểm tra của Đội quản lý thị trường số 4 phối hợp Công an TP. Châu Đốc tiến hành khám xét phương tiện xe ôtô tải hiệu VEAM, biển kiểm soát 67C-016.57 do Nguyễn Thành Thanh (sinh năm 1981) điều khiển. Địa điểm dừng xe tại khu vực đường N1 gần bến xe mới (thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Qua khám xét phát hiện 8 tấn đường cát Thái Lan (loại 50kg/bao) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 93.600.000 đồng. Ngày 21-11, Đoàn kiểm tra nói trên đã tiến hành khám phương tiện xe ôtô tải biển kiểm soát 66C-095.03 do tài xế Đỗ Thanh Phong (sinh năm 1992) điều khiển. Qua khám xét, phát hiện trên xe chở 4 tấn đường cát, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 22-11, các lực lượng chức năng chống buôn lậu: gồm Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh và C03 (Bộ Công an) tiến hành khám xét kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH Di Thạnh ở tổ 19 (đường Tôn Đức Thắng, khóm Mỹ Thành, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Tại thời điểm khám xét, các lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng đường tại kho và trên 4 phương tiện đang đậu (tại kho) 517.450kg. Đây là đường dây buôn lậu có tổ chức. Thủ đoạn của các đối tượng này là mua đường từ Campuchia rồi thay bao bì, nhãn mác tiếng Việt ngay trên biên giới, sau đó tổ chức phân phối nhỏ lẻ và đưa về kho để mang đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đại diện công ty này có trình hóa đơn, chứng từ để chứng minh cho số đường này là hợp lệ. Song, với sự vào cuộc của C03 và các lực lượng chức năng tỉnh, đường dây hợp thức hóa đường cát nhập lậu thành đường cát sản xuất trong nước đã bị “bóc gỡ”. Bộ Công an đã tiến hành khởi tố hình sự đối với các đối tượng cầm đầu.
“Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm; quần áo cũ, vải, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, gỗ, sản phẩm từ gỗ, phế liệu và hàng hóa tiêu dùng khác. Trong năm đã nổi lên tình trạng vận chuyển phế liệu nhập lậu trái phép gồm: bọc ny-lon, giấy, vỏ chai, lon, sắt… từ Campuchia vào Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng buôn lậu còn vận chuyển ngoại tệ (USD), tiền Việt Nam trái phép qua biên giới. Phần lớn các vụ việc đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.
Bài, ảnh: MINH HIỂN