Giáo viên trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hướng dẫn học sinh cách phòng dịch. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Cụ thể, bậc Mầm non có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, gồm Hà Nội, Đà Nẵng (tổ chức cho đi học tại 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 24/2), Bạc Liêu (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ ngày 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 28/2), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên. Tỉnh Đắk Lăk có thành phố Buôn Mê Thuột dừng dạy học trực tiếp.
Bậc Tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 11 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (thành phố Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ninh.
Bậc Trung học Cơ sở có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).
Bậc Trung học Phổ thông có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 1 tỉnh (Lào Cai) dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp.
Trong tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Tiểu học và THCS xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoài giờ tạo không khí vui tươi phấn khởi thu hút các em học sinh đến trường. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi tổ chức dạy, học trực tiếp, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở …) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế nêu rõ: Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác.
Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước, sau khi ăn. Các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường); bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Theo VIỆT HÀ (TTXVN)