Căn bệnh gây tử vong cao thứ 3 sau tim mạch và ung thư

25/11/2023 - 19:26

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, hút thuốc lá. Đây là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao hàng thứ 3 trên thế giới.

Ngày 25/11, hàng trăm người dân đã được khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chương trình nằm trong các hoạt động hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) làm suy giảm thông khí mạn tính. Người bệnh bị tắc đường dẫn khí, phù nề, tăng tiết nhầy làm cho phần túi khí của phổi bị tổn thương, giãn ra ảnh hưởng tới thông khí và trao đổi khí của bệnh nhân.

Đây là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi hoặc có tiền sử tiếp xúc với khói bụi, đặc biệt là những người đang hút thuốc lá. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 85-90% tổng số ca mắc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị bệnh cao gấp 3-5 lần. 

Các bác sĩ khám sàng lọc cho người bệnh. Ảnh: P.Thúy. 

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gồm tiếp xúc nhiều với bụi và hoá chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói), ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà (khói bếp do đun củi, rơm, than...) 

Trong khi đó, gánh nặng bệnh COPD cao do việc chẩn đoán muộn. Phát hiện trễ làm tăng tỷ lệ bệnh biến chuyển xấu, áp lực tài chính cho người bệnh và hạn chế lựa chọn điều trị. Các nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng về chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp đáng kể liên quan đến điều trị COPD, phần lớn do chẩn đoán muộn. 

Các dấu hiệu ban đầu của COPD gồm khó thở, thở khò khè, đặc biệt khi hoạt động thể chất, tức ngực, ho, ho khan, ho có đờm, sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, thiếu năng lượng, sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân. Ở giai đoạn đầu, người bệnh khó thở khi gắng sức lúc leo dốc, leo cầu thang, làm việc nặng. Ở giai đoạn sau, tình trạng khó thở nặng dần lên theo thời gian và ở giai đoạn muộn, người bệnh khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.

Để cải thiện đời sống, người bệnh cần tuân thủ điều trị, tái khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Thực tế, bác sĩ Phương cho biết có nhiều bệnh nhân chỉ đến tái khám khi có triệu chứng. Đây là sai lầm có thể dẫn tới tổn thương phổi, khó điều chỉnh phác đồ điều trị, đánh giá tình trạng bệnh.

Đường thở tổn thương khó trở về bình thường. Tuân thủ điều trị giúp giảm khó thở, ho, bệnh nhân dễ chịu hơn. 

Người bệnh cần phòng tránh yếu tố nguy cơ để làm bệnh nặng lên. Theo đó, họ nên vệ sinh nhà cửa, điều hòa; sắp xếp đồ đạc; hạn chế di chuyển nhiều; uống đủ nước; tránh các tác nhân gây bệnh như khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm môi trường.

Theo PHƯƠNG THÚY (VietNamNet)