Cần hỗ trợ tiêu thụ nhiều loại nông sản

27/08/2021 - 07:27

 - Bên cạnh cây lúa thì An Giang còn nhiều loại nông sản khác có sản lượng thu hoạch từ nay đến cuối năm khá lớn, như: trái cây, rau màu, thủy sản… Trong đó, có nhiều loại cần kết nối tiêu thụ trong nước thông qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt cần sự hỗ trợ của quân đội trong khâu vận chuyển, phân phối.

Sản lượng lớn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn An Giang đạt 18.364ha, trong đó có 13.083ha đang cho sản phẩm. Từ tháng 8 đến tháng 12-2021, tổng sản lượng cây ăn trái thu hoạch ước khoảng 109.779 tấn, trong đó nhiều nhất là các loại xoài, như: xoài ba màu 61.250 tấn, xoài keo 8.890 tấn, xoài cát Hòa Lộc 8.323 tấn…

Những loại cây ăn trái khác có diện tích tăng nhanh, sản lượng lớn, như: mít 15.190 tấn, chanh 3.641 tấn, bưởi 2.364 tấn, cam, quýt 2.244 tấn, nhãn 2.011 tấn… Trong đó, ước tiêu thụ nội địa 20%, tương đương 22.000 tấn, còn lại khoảng 87.779 tấn tiêu thụ ngoài tỉnh, cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ.

Đối với thủy sản, trong tháng 8-2021, An Giang thu hoạch 130ha cá tra, sản lượng khoảng 43.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu; các loại cá khác thu hoạch khoảng 110ha, sản lượng 13.800 tấn, chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua Campuchia. Riêng tôm càng xanh, diện tích chỉ 2ha, sản lượng khoảng 2 tấn; các loại thủy sản khác diện tích thu hoạch 3ha, sản lượng 270 tấn, có thể tiêu thụ nội địa.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, bình quân hàng tháng, An Giang thu hoạch khoảng 40.000-45.000 tấn thủy sản các loại, trong đó, cá tra chiếm khoảng 70-75%, phần lớn phục vụ xuất khẩu, một phần tiêu thụ trong nước; các loại cá khác chiếm 25-30%, phần lớn tiêu thụ nội địa (An Giang và các tỉnh khác), một phần xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn, kể cả vận chuyển tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sở NN&PTNT đang phối hợp với các ngành, tổ công tác của Bộ NN&PTNT kết nối, hỗ trợ tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN).

Các xe chuyên dụng của Sư đoàn 330 (Quân khu 9) hỗ trợ vận chuyển nông sản đưa đi tiêu thụ

Đối với chăn nuôi, ước tổng đàn nuôi và sản lượng thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12-2021, như sau: đàn heo 79.000 con, sản lượng thu hoạch 2.833 tấn thịt; gà 1,4 triệu con, 902 tấn thịt; vịt 3,7 triệu con, 949 tấn thịt; bò 66.900 con, 7.000 tấn thịt; 4,5 triệu trứng gà, 384 triệu trứng vịt.

Với nhu cầu sử dụng bình quân 94 tấn/ngày, tổng nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 2.820 tấn/tháng, trong đó, heo 76 tấn/ngày, 2.280 tấn/tháng; bò 13 tấn/ngày, 390 tấn/tháng; gia cầm 5 tấn/ngày, 150 tấn/tháng. Tổng sản lượng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 2.127 tấn/tháng. Như vậy, sản lượng chăn nuôi trong tỉnh không đủ phục vụ tiêu dùng. Theo số liệu tổng hợp, mỗi tháng An Giang nhập về 20.696 con heo thịt, 119.440 con gia cầm thịt, hơn 47,8 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm làm thực phẩm.

Cần tạo thuận lợi

Trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay, khả năng di chuyển của con người cùng thiết bị thu hoạch, vận chuyển nông sản giữa An Giang và các tỉnh, thành phố khác bị trở ngại. Nhiều mặt hàng, như: trái cây, thủy sản, rau màu chủ yếu hợp đồng với DN ngoài tỉnh nhưng việc đi lại khó khăn, gánh nặng thêm chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày nên nhiều thương lái ngại tiếp cận địa bàn thu mua.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, DN, thương lái phải cử nhân viên đến vườn, ao, bè xem sản phẩm, thỏa thuận giá trước khi thu mua đối với một số mặt hàng, như: cá, trái cây. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, khi di chuyển đến xem mặt hàng nông sản, thương lái gặp khó khăn trong xác nhận lý do chính đáng để ra đường.

Thời gian qua, việc khó duy trì cùng lúc hoạt động sản xuất với số lượng công nhân lớn, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên khiến không ít DN, đặc biệt trong hoạt động chế biến nông sản, thủy sản và chăn nuôi phải tạm dừng hoạt động ở các kho, nhà máy chế biến… dẫn đến việc thu mua nông sản trì trệ. Đối với nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, khó duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, trong khi nhiều địa phương không cho ra đường ban đêm, hạn chế việc tập trung đông người nên hoạt động gặp khó khăn.

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ về tìm giải pháp tiêu thụ lúa, nếp, tạo ra những tín hiệu khả quan cho thị trường. An Giang đã mời gọi một số DN lớn, như: Lộc Trời, Tân Long, Tấn Vương... tăng cường thu mua lúa, nếp trên địa bàn tỉnh cho nông dân.

Với sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện của Quân khu 9, vấn đề thu hoạch, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh ĐBSCL và kết nối với TP. Hồ Chí Minh được giải quyết. Bài toán đặt ra hiện nay là, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, thuế cho các DN chế biến nông sản, nhất là các DN thủy sản tại An Giang để duy trì, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Công thương giới thiệu các DN, các siêu thị lớn đến An Giang để thu mua lượng rau, màu, lúa, nếp, thủy sản, trái cây sắp thu hoạch nhằm hỗ trợ đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

An Giang kiến nghị Chính phủ xem xét, phân bổ vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo 100% các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nằm trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, như: thương lái, công nhân bốc xếp, công nhân làm trong các lò mổ, công nhân thu hoạch và vận chuyển nông sản được tiêm phòng vaccine sớm nhất, đảm bảo chuỗi lưu thông không bị gián đoạn. 

 

NGÔ CHUẨN