Vất vả tích tụ đất đai
Tập đoàn Nam Việt là DN tiên phong trong phát triển nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra theo hướng công nghiệp ở An Giang, cũng là một trong những DN hàng đầu về lĩnh vực cá tra ở vùng ĐBSCL. Từ ngày thành lập đến nay, Tập đoàn Nam Việt đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên cùng gia đình của họ ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới cho biết, sản phẩm cá tra của Nam Việt đã xuất khẩu đến hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng doanh thu xuất khẩu khoảng 2,1 tỷ USD. Nhờ những nỗ lực của các DN, như: Nam Việt, Vĩnh Hoàn, IDI, Cửu Long, Tuấn Anh… mà nhiều nước trên thế giới biết đến sản phẩm cá tra Việt Nam.
Cuối năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm và làm việc với An Giang, đã ghé thăm vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú). Đây là khu nuôi trồng công nghệ cao về cá tra đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới với quy mô rộng 600ha, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác của Quốc hội rất ấn tượng về mô hình mới này và đánh giá cao nỗ lực của DN.
Tuy nhiên, để có diện tích đất rộng thực hiện dự án lớn, là cả câu chuyện dài và khó khăn. Ông Doãn Tới cho biết, vướng mắc lớn nhất là mức “hạn điền” (hạn mức tối đa được chuyển nhượng đất nông nghiệp) bị hạn chế không quá 30ha/hộ gia đình, cá nhân (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai năm 2013). “Tập đoàn Nam Việt phải cử ra 70 người đứng tên mua đất cho vùng nuôi Bình Phú mà không thể “danh chính, ngôn thuận” đứng tên DN trên diện tích quy mô 600ha của mình. Về mặt pháp lý, đây là bất cập rất lớn” - ông Doãn Tới nhấn mạnh.
Trong buổi họp sau khi tham quan vùng nuôi Nam Việt Bình Phú với đoàn công tác Quốc hội, ông Doãn Tới đã đề xuất và kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định “hạn điền”, tạo thuận lợi cho Tập đoàn Nam Việt cũng như nhiều DN khác muốn mở rộng quy mô sản xuất áp dụng công nghệ cao. “Trên thực tế, để đầu tư vào nông nghiệp thủy sản với quy mô lớn, chúng tôi cần đến hàng ngàn ha đất để sản xuất và nuôi trồng. Nếu vẫn vướng “hạn điền”, việc tích tụ đất rất khó khăn” - ông Doãn Tới khẳng định.
Lợi cho nông dân
Theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với các hình thức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, được quy định không quá 30ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL (các tỉnh, thành phố còn lại là không quá 20ha). Quy định này nhằm giữ đất nông nghiệp, khuyến khích nông dân gắn bó sản xuất. Tuy nhiên, khi thực hiện tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, cả nông dân, DN và nền nông nghiệp đều được hưởng lợi.
Ông Doãn Tới cho biết, tại vùng nuôi Nam Việt Bình Phú, những hộ dân chuyển nhượng đất cho tập đoàn được vào Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú làm việc và có thu nhập hàng tháng ổn định. Với giá chuyển nhượng cao hơn giá thị trường, các hộ bán đất ở xã Bình Phú có thể mua được đất ở vị trí khác với diện tích lớn hơn (có trường hợp bán 1ha mua lại được 3ha). “Nhiều nông dân bán đất xong, trả hết nợ ngân hàng, mua được đất chỗ khác với diện tích lớn hơn, lại có việc làm tại chỗ cho gia đình họ nên ai cũng vui vẻ bán đất, không có bất cứ một hộ dân nào khiếu nại, khiếu kiện” - ông Doãn Tới thông tin.
Theo các DN, nông dân có khuynh hướng làm ăn lớn, quy định “hạn điền” vừa gây cản trở sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, vừa gây ra nhiều rủi ro pháp lý. “Để có đủ diện tích sản xuất lớn, DN, nông dân phải nhờ người thân, người quen đứng tên chuyển nhượng đất. Theo quy định, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có quyền thế chấp vay vốn, chuyển nhượng cho người khác, gây rủi ro lớn cho chính DN, nông dân đứng ra thu gom đất” - ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, người từng được mệnh danh “vua lúa”) chia sẻ.
Để phát huy vai trò “bệ đỡ” của nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp trong nông nghiệp, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ cao… Trong nền nông nghiệp hiện đại, vấn đề “hạn điền” không còn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường. Khi nhà nước có cơ chế tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, sẽ thu hút nhiều DN lớn tham gia vào nông nghiệp, vừa tăng giá trị sản xuất, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân ngay trên chính mảnh đất của họ.
|
NGÔ CHUẨN