Ca phẫu thuật bằng robot điều trị ung thư phổi cho người bệnh do các bác sĩ Bệnh viện K và chuyên gia nước ngoài phối hợp thực hiện. (Ảnh THÁI HÀ)
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm khoảng 92% dân số. Cùng với số lượt khám, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT tăng dần qua các năm (năm 2022 là 150,5 triệu lượt) và quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng. Mỗi năm quỹ BHYT chi hơn 110 nghìn tỷ đồng cho chi phí khám, chữa bệnh người có thẻ BHYT, là nguồn thu chính của bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Để đạt được kết quả nêu trên, một trong những yếu tố quan trọng là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh. Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân thành bốn tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ đó phân luồng bệnh nhân phù hợp với tình trạng bệnh tật, bảo đảm cân đối năng lực tiếp nhận và chất lượng chăm sóc, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tránh quá tải hệ thống.
Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp. Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Mặt khác, trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định…) và điều kiện thực tế (thí dụ cơ sở tuyến trên quá tải…), cơ sở có thể chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc.
Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định. Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: Cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh..., đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc vào lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Với ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn và là căn cứ xác định phạm vi quyền lợi BHYT của người bệnh cho nên việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh và công tác khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính; thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.
Từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám, chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ ngày 1/1/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho rằng, với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT.
Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Quá tải cũng gây nguy cơ sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Trả lời các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để bảo đảm chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới.
Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở; tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mạn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.
Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới, bảo đảm thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến; mặt khác yêu cầu các bệnh viện củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng, đào tạo, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện; quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh.
Theo Nhân Dân