Cẩn trọng với lừa đảo trên không gian mạng

25/04/2022 - 06:41

 - Thời gian gần đây, loại hình tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát. Phổ biến là hình thức lừa đảo mua hàng online (trực tuyến), mời làm cộng tác viên online, giả danh cơ quan nhà nước điện thoại hoặc giả mạo, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội: Zalo, Facebook… để mượn tiền, chuyển tiền… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nội dung đối tượng lừa đảo mời làm cộng tác viên online gửi vào điện thoại di động

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, điện thoại thông minh… bên cạnh mang lại nhiều tiện ích cho người dân, nhưng đi kèm với đó cũng có không ít hệ lụy, nếu người dùng không thật tỉnh táo cảnh giác, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng phổ biến, tinh vi hơn. Điển hình, ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Quốc Huy (sinh năm 1995, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Ngày 1/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá thành công đường dây lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhóm đối tượng của Nguyễn Quốc Huy. Tại cơ quan điều tra, Huy khai nhận từ năm 2020 đến nay, đã lấy danh nghĩa đang làm việc tại các công ty bán hàng thực phẩm đông lạnh và sử dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook… mang nhiều tên khác nhau, như: "Công ty thực phẩm xanh," "Hùng thực phẩm," "Bố của chuột", "Đông lạnh Tiến Thành"... để truy cập vào các nhóm (group) bán hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai... để lừa đảo người cần tìm mua hàng. Sau đó, Huy yêu cầu bị hại chuyển tiền vào 5 tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Huy khai nhận, đã lừa được nhiều bị hại với số tiền hơn 2 tỷ đồng và sử dụng số tiền lừa đảo để tiêu xài cá nhân, đánh bạc.

Không những vậy, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng dùng những lời quảng cáo hấp dẫn, chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem, like video trên mạng là sẽ có thu nhập hoặc thực hiện nhiệm vụ theo ngày để hưởng tiền thưởng... làm không ít người vì lợi trước mắt mà tự rơi vào những chiếc bẫy tinh vi, khiến “tiền mất, tật mang”. Thời gian qua, tranh thủ thời gian rảnh đã có nhiều người tìm kiếm việc làm bán thời gian trên internet, các trang mạng xã hội… Và rất dễ tìm thấy thông tin tự xưng là nhân viên trang thương mại điện tử Shopee, Amazon, Lazada… giúp kiếm được nhiều tiền thông qua việc tham gia cộng tác viên mua, bán hàng online. Thậm chí, các thông tin này còn được gửi vào tin nhắn điện thoại với nội dung: “Cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!!  Số lượng 100 người. Mô tả công việc: Xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử. Yêu cầu độ tuổi lao động: 23-60 tuổi. Lương hàng tháng từ 10-50 triệu đồng. Ít nhất 500K - 3000K mỗi ngày, thao tác đơn giản và hướng dẫn đi kèm, bạn có thể nhận tiền sau 15-20 phút".

Theo lời hướng dẫn, giới thiệu trên, mỗi ngày, người bị hại được giao nhiệm vụ đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, lợi nhuận nhận được từ 10-15% trên giá trị sản phẩm, nhưng với điều kiện bị hại phải nộp tiền trước (tương ứng giá trị sản phẩm) qua số tài khoản do đối tượng cung cấp. Đối với những nhiệm vụ đầu tiên, người bị hại chuyển tiền ít, sau thời gian đã thỏa thuận, người bị hại nhận lại được số tiền đã chuyển, cộng thêm 10-15% giá trị sản phẩm.

Cứ thế, lần lượt những nhiệm vụ tiếp theo, giá trị đơn hàng của nhiệm vụ sau cao hơn nhiệm vụ trước. Tuy nhiên, bắt đầu từ nhiệm vụ thứ 3, sau khi bị hại nộp tiền thì không nhận lại được tiền đã chuyển và hoa hồng như trước đó. Đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý do, như: Soạn tin không đúng cú pháp, nộp tiền quá thời gian, điểm tín nhiệm thấp... yêu cầu người bị hại phải thực hiện thêm nhiệm vụ thứ 4, thứ 5... thì mới nhận lại được tiền. Rồi sau đó, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà người bị hại đã thanh toán các đơn hàng. Vậy là cả tiền gốc lẫn tiền hoa hồng đều mất.

Ngoài hình thức lừa đảo mua hàng online và mời làm cộng tác viên online, thì các đối tượng lừa đảo thường chiếm đoạt tài khoản hoặc giả mạo tài khoản của những người dùng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo… sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng còn thực hiện lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước (công an, tòa án, viện kiểm sát, thuế, hải quan…) điện thoại đe dọa người dân, công ty, doanh nghiệp, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Đây chỉ là một số ít trong rất nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì mỗi người dân cần phải tự nâng cao hiểu biết, tinh thần cảnh giác, chủ động cập nhật thông tin để không bị “sập bẫy” lừa đảo trên không gian mạng. Tuyệt đối không cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào, khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, báo ngay cho cơ quan chức năng khi nhận thấy biểu hiện lừa đảo, để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

TRỌNG TÍN