Cây lưỡi hổ nên trồng trong chậu to hay chậu nhỏ?

14/10/2023 - 08:08

Có thể bạn không biết, kích thước chậu đóng vai trò rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lưỡi hổ.

Lưỡi hổ là một trong những cây cảnh được nhiều người trồng trong nhà. Ngoài tác dụng thẩm mỹ, nó còn có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ khí độc hại. Tuy đây nó phổ biến và dễ trồng, vẫn có nhiều chi tiết bạn cần lưu tâm để cây phát triển tốt nhất, chẳng hạn lưỡi hổ nên trồng trong chậu to hay chậu nhỏ, trồng thế nào để cây luôn xanh tươi...

Lưỡi hổ nên trồng trong chậu to hay chậu nhỏ?

Chậu trồng cây lưỡi hổ trong nhà không được quá lớn, vì môi trường trong nhà tương đối kín gió, tốc độ thoát hơi nước khá chậm. Nếu cây lưỡi hổ trồng trong chậu to thì hơi nước sẽ thoát chậm, lượng nước dư thừa tích tụ trong chậu dễ khiến rễ bị thối.

Cây lưỡi hổ nên trồng trong chậu to hay chậu nhỏ? (Ảnh: havico-pottery)

Chậu càng lớn, cây lưỡi hổ càng kém phát triển, thậm chí dễ chết do thối rễ. Vì vậy, cây lưỡi hổ trồng trong chậu nhỏ là thích hợp nhất. Điều này giúp cây có đủ môi trường để phát triển mà không gặp vấn đề dư thừa nước. Không chỉ lưỡi hổ mà một số loại cây xanh khác trồng trong nhà như lan chi, trầu bà… cũng nên trồng trong chậu nhỏ.

Nếu trồng cây lưỡi hổ trong chậu cao, dưới đáy chậu, bạn nên lót thêm một số vật liệu như xốp, xỉ than, gạch vụn... để tăng cường khả năng thoát nước.

Chăm sóc cây lưỡi hổ thế nào?

Sau khi trồng lưỡi hổ, bạn cần chú ý chăm sóc đúng cách để cây luôn bền, đẹp.

Tưới nước

Cây lưỡi hổ có xuất xứ từ vùng đất khô hạn. Nó có khả năng chịu hạn rất tốt, thường không ưa nước. Trong quá trình chăm sóc, bạn không nên tưới quá nhiều. Cây chỉ cần được tưới 1 - 2 tuần một lầntùy vào điều kiện thời tiết. Khi tưới loại cây này, bạn nên dùng bình phun ẩm. 

Ánh sáng thích hợp

Lưỡi hổ là loại cây ưa bóng râm, thích nơi có ánh sáng yếu thay vì thời tiết nắng gắt. Bạn nên chọn những khu vực ít nắng để trồng nó. Nếu cây được đặt trong nhà, bạn nên cho phơi nắng sau 2 - 3 tháng, thời gian khoảng từ 7h đến 9h.

Cây lưỡi hổ thích hợp với bóng râm. (Ảnh: KGX)

Thường xuyên xới đất

Loài cây này thích đất tơi xốp, thoáng khí, dễ thoát nước; khi đó cây sẽ dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển tốt hơn. Nếu đất bị nén chặt, khả năng hấp thụ của cây sẽ kém, lá sẽ vàng và thối, ảnh hưởng đến sự phát triển. Do đó, bạn nên thường xuyên xới đất cho cây. Cách này còn kích thích cây dễ mọc lên chồi mới.

Nhiệt độ và dinh dưỡng

Nhiệt độ lý tưởng cho cây lưỡi hổ phát triển là khoảng 20 - 30 độ C. Trong những ngày mùa đông, bạn nên bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân để cây khỏe mạnh. Cần bón lân khoảng 3 đến 4 tháng một lần, bón thúc với vị trí cách gốc khoảng 10cm. 

Cách nhân giống cây lưỡi hổ

Từ một chậu lưỡi hổ, bạn có thể nhân thành nhiều chậu, chỉ cần dùng tay tách nhẹ cây con sao cho nó không bị gãy.

Chuẩn bị chậu trồng cây lưỡi hổ: Đất phải đảm bảo độ xốp để thoát nước nhanh. Để giúp cây phát triển tốt, bạn có thể trộn vào đất trồng một  ít đất phù sa, mùn cưa. 

Ngoài cách tách cây con, những người trồng cây cảnh để bán còn áp dụng cách sau: Chọn cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cắt lấy những chiếc lá to có độ già vừa phải, chia thành từng đoạn dài 5cm, phơi héo. Sau đó, họ vùi những đoạn lá này vào đất ẩm, chúng sẽ phát triển thành các cây mới.

Mùa xuân, mùa hè là thời điểm thích hợp nhất cho việc nhân giống cây lưỡi hổ.

Theo VTC