Châu Á ghi nhận trên 628 nghìn ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

07/03/2022 - 11:25

Diễn biến dịch bệnh tại châu Á vẫn phức tạp khi châu lục này ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua, với trên 628 nghìn ca bệnh.

Các nhân viên y tế tại 1 điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên ở Ga Seoul, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 06/3/2022. (Ảnh: Yonhap)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 7/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 446.612.251 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.019.441 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 379.629.953 người, trong khi vẫn còn 71.228 bệnh nhân nặng đang phải điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, có thêm 1,15 triệu ca bệnh mới được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó phần lớn là ở châu Á với 628.712 ca, tiếp đến là châu Âu với 429.935 ca, bỏ xa các khu vực còn lại.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc vẫn đáng lo ngại, khi số ca mắc mới tại nước này tiếp tục duy trì trên mức 200 nghìn ca trong ngày thứ tư liên tiếp.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nước này ghi nhận 210.716 ca nhiễm Covid-19 mới, bao gồm 210.628 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.666.977 ca.

Biến thể mới Omicron được cho là nguyên nhân gây ra làn sóng gia tăng đột biến chưa từng thấy về số ca mắc mới Covid-19 ở Hàn Quốc trong những tuần gần đây. Tổng số ca nhiễm chính thức vượt mốc 4 triệu vào thứ bảy vừa qua, chỉ 5 ngày sau khi đạt mốc 3 triệu, trong khi chỉ mới đầu tháng trước, Hàn Quốc mới cán mốc 1 triệu ca mắc.

Tại khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc), tình hình dịch bệnh cũng vẫn căng thẳng. Đặc khu này đã báo cáo 31.008 ca mắc mới và 153 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua.

Làn sóng Omicron đã khiến số ca bệnh tăng đột biến, đẩy các bệnh viện và cơ sở cách ly tại Hồng Kông vào tình trạng quá tải, đồng thời dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, hay trong các dịch vụ khác như giao thông công cộng, điều hành trung tâm thương mại, bưu điện, siêu thị và nhà thuốc.

Các chuyên gia y tế ước tính, khoảng 15% trong dân số 7,4 triệu người của đặc khu này đã nhiễm Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Hồng Kông đã ghi nhận hơn 470 nghìn ca nhiễm và khoảng trên 2.000 ca tử vong, trong đó hầu hết ca không qua khỏi được ghi nhận chỉ trong vòng 2 tuần qua, và nhiều người trong số đó là những người cao tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Các bệnh nhân cao tuổi tại 1 khu điều trị tạm thời ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh các ca nhiễm và tử vong tăng cao kỷ lục, Hồng Kông đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, với việc cấm các cuộc tụ tập nơi công cộng từ 2 người trở lên và đóng cửa hầu hết các địa điểm công cộng.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á những ngày qua vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 6/3, tổng số ca bệnh ở khu vực là trên 19,57 triệu ca cùng 327.258 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất khu vực, đều ở mức trên 21 nghìn ca.

Tại châu Âu, khi tình hình dịch bệnh dịu bớt, hàng loạt quốc gia đang dần dỡ bỏ những quy định phòng dịch. Bắt đầu từ hôm nay, Bỉ sẽ dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế, trong đó gồm cả yêu cầu đeo khẩu trang và xuất trình thẻ Covid-19, chứng minh đã tiêm phòng, đã hồi phục sau nhiễm bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính khi đến các địa điểm trong nhà. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, trong bệnh viện và cơ sở chăm sóc y tế.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ tại Quảng trường Grand Place ở Brussels, Bỉ, ngày 21/1/2022. Ảnh: REUTERS

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại Bỉ đã giảm từ mức kỷ lục trên 75 nghìn ca ghi nhận vào ngày 24/1 trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron xuống mức trung bình hàng ngày khoảng 6.000 trong tuần tính đến ngày 28/2, một trong những tỷ lệ mắc bình quân đầu người thấp nhất ở châu Âu.

Động thái tương tự cũng sẽ sớm được áp dụng ở nước láng giềng Pháp từ ngày 14/3. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, yêu cầu xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 để tới các địa điểm trong nhà sẽ được dỡ bỏ từ ngày 14/3, trong bối cảnh dịch bệnh đang lắng dịu.

Tuy nhiên, thẻ vaccine vẫn là yêu cầu bắt buộc khi tới các trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Pháp. Ngoài ra, yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín công cộng cũng sẽ được dỡ bỏ, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)