Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá, xem thương mại, dịch vụ là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH. Do đó, huyện Châu Thành đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ được huyện chú trọng thực hiện”.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu. Huyện chủ động phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh chuyển giao những công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao…
Huyện Châu Thành tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao.
Ngoài ra, khuyến khích DN, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học. “Không chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ, định hướng cho nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp, mà ngành nông nghiệp huyện còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững” - ông Tuấn chia sẻ.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện từng bước xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã chuyển đổi diện tích từ lúa sang cây ăn trái và rau màu gần 605ha (gần 557ha màu; 48ha cây ăn trái). Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện mô hình sản xuất hiệu quả được địa phương duy trì và nhân rộng.
Tiêu biểu, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái; trồng nấm rơm dạng trụ và tận dụng phụ phẩm sau trồng nấm để ủ phân hữu cơ; canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê; nuôi cá chạch lấu trong mùng…
Ông Trần Văn Thủy (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) cho biết: “Tôi mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa để canh tác sầu riêng hơn 5 năm nay. Muốn đạt được hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của DN, thương lái, người nông dân cần áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn và phải biết cách nắm bắt thị trường” - ông Thủy cho biết.
Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, có tính cạnh tranh cao và tiềm năng phát triển, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn sớm chuyển giao những công nghệ giống cây, con, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Huyện tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; kinh tế trang trại; liên kết giữa nông dân với nhau và với các DN theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Qua đó, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm canh tác.
TRUNG HIẾU