Chậu thược dược héo rũ và giọt nước mắt của mẹ chiều 30 Tết

27/01/2024 - 10:23

Chiều 30 Tết năm ấy từ bệnh viện về nhà, thấy chậu cây thược dược đỏ héo rũ, những nụ hoa thâm đen gục xuống, mẹ khóc; bốn bố con tôi chỉ biết nhìn nhau.

Trong ký ức của tôi, Tết thực là cái gì đó rất sống động, có màu, có hương, có hình dáng rỡ ràng. Ấy là hương của nước mùi già, là dáng của nải chuối, trái bưởi, đĩa ngũ quả ban thờ, là màu của đào, của quất... và của chậu thược dược đỏ mà mẹ tôi yêu quý.

Ngày xưa, thủa chúng tôi còn bé, 30-40 năm về trước, nhà tôi nghèo. Nhưng với mẹ, nghèo đến đâu thì ngày Tết cũng phải đàng hoàng, nghĩa là có áo mới cho con, có bánh chưng, có gà, có giò, có mứt kẹo, có hoa đào và hoa thược dược.

Mỗi năm, cứ vào tầm giữa tháng 10 âm, mẹ sẽ đi chợ, mua vài cây giống hoa thược dược còn bé xíu. Về nhà, mẹ sẽ tìm một góc vườn cao ráo nhất, nắng chiếu nhiều để ươm cây xuống. Mẹ canh ngày tỉa nhánh, bấm ngọn, ngắt lá sâu... Đến tháng Chạp, sau rằm, mẹ sẽ bắt đầu thúc cây, đưa vào chậu.

Thược dược là giống dễ trồng, nhưng để có những bông hoa cứng cáp, xinh đẹp, nở đúng dịp thì phải chăm bẵm cầu kỳ. Khoảng 16-17 tháng Chạp, mẹ tôi sẽ lựa buổi chiều hôm để đôn cây từ vườn, gỡ bớt bầu đất, đưa vào chậu. Chậu trồng thược dược được mẹ lót một lớp phân bò hay phân gà đã hoai mục, sau đó chèn gốc cây vào. Ở trên cùng, mẹ rải trấu, phủ rơm để giữ chắc và ấm gốc.

Tầm ngoài 20 tháng Chạp, khi cây thược dược bắt đầu nhú những nụ đo đỏ bé xíu xiu, cứ cách ngày mẹ lại tưới nước gạo pha vài viên B1. Sau ngày cúng ông Táo, mẹ bắt đầu đưa cây vào nhà, đặt trên một cái đôn nhỏ cạnh bàn trà. Trong nhà ấm áp, kín gió, những nụ thược dược be bé xinh xinh sẽ lớn rất nhanh, và thường cho hoa đúng tầm Tết Nguyên đán.

Mẹ tôi gọi thược dược là loài hoa báo xuân, thấy xuân là thấy Tết, là thấy những điều mới mẻ, những vận hội mới. (Ảnh: Huyền Thanh)

Ngày xưa, các giống hoa chưa nhiều, thược dược hầu như chỉ có trắng, vàng, đỏ. Mẹ tôi tín tâm, luôn chọn màu hoa đỏ như cầu mong năm mới tươi tắn, con cái khỏe mạnh, công việc suôn sẻ. Hoa thược dược ngày ấy cũng chỉ nở vào cuối đông đầu xuân chứ không có quanh năm như bây giờ. Vì thế, mẹ gọi đó là loài hoa báo xuân, thấy xuân là thấy Tết, là thấy những điều mới mẻ, những vận hội mới. Mẹ tôi bởi vậy mà yêu loài hoa này.

Mẹ tôi làm ở bệnh viện, khoa cấp cứu. Có năm gần Tết, tai nạn pháo nổ nhiều, mẹ bận suốt. Ở nhà, bố con tôi vô tâm không để ý chậu hoa. Chiều 30 mẹ về, thấy chậu cây đã héo rũ, các nụ hoa thâm đen gục xuống, mẹ khóc. Tết đó mẹ buồn, bảo năm nào hoa thược dược nở to, tươi đẹp thì các con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, gia đình hòa thuận; Tết này thiếu chậu hoa đỏ như thiếu sự may mắn trong nhà; khách đến nhà như thiếu sự tươi mừng chào đón. Bốn bố con tôi chỉ biết nhìn nhau.

Từ đó về sau, chị em tôi đã biết tâm tư của mẹ. Chúng tôi cùng mẹ chăm sóc những góc nhỏ ươm bầu thược dược từ tháng 10 âm. Chúng tôi nâng niu đưa hoa vào chậu sau ngày rằm tháng Chạp. Chúng tôi hồ hởi bàn tán với mẹ, khoe với bạn bè những năm hoa nở thật đẹp.

Rồi tôi lấy chồng, đi xa. Ở giữa Thủ đô, người ta bán hoa trồng nhà kính, tôi có thể ngắm thược dược quanh năm. Nhưng mỗi tháng Chạp, khi gió mùa đông bắc se lạnh, tôi vẫn thích tự mình đi lựa một chậu thược dược đỏ, giống cũ. Tôi cũng mong cầu may mắn cho con cái, gia đình. Ngắm chậu thược dược đỏ, tôi thấy lòng hồ hởi vui tươi. Và trong niềm hồ hởi ấy có cả nỗi niềm rưng rưng nhớ mẹ, nhớ những cái Tết nghèo thủa xưa.

Theo HUYỀN THANH (VTC News)