Chỉ số cải cách hành chính An Giang đứng đầu ĐBSCL

14/05/2018 - 07:39

 - Kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017, An Giang bứt phá ngoạn mục đạt 83,54 điểm (tăng 10,65 điểm so với năm 2016), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016: từ hạng 36 lên hạng 8). Với kết quả này, An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình CCHC tỉnh xoay quanh kết quả này.

Phục vụ, hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả của công tác cải cách hành chính

Phóng viên (P.V): Kết quả thực hiện chỉ số CCHC năm 2017, An Giang đã đạt được những thành tích nổi bật nào, thưa ông?

Ông Trương Long Hồ (T.L.H): Năm 2017, chúng ta đạt được nhiều kết quả 3 bộ chỉ số đánh giá: Chỉ số PCI tăng 6 bậc, từ hạng 38 lên hạng 32 trong 63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI tăng 16 bậc, từ vị trí 34 lên hạng 18 trong 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt là chỉ số CCHC (PAR INDEX) đạt 83,54 điểm (tăng 10,65 điểm so với năm 2016), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016) sau Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Dương. Thuộc nhóm A và xếp hạng 1/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Trong 4 nội dung thành phần chấm điểm chỉ số CCHC, có 2 nội dung tỉnh ta đạt điểm tuyệt đối là: Chỉ số SIPAS đạt 12/12 điểm; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội đạt 3,5/3,5 điểm. Đây là năm rất thành công của công tác CCHC, khẳng định những quyết tâm và giải pháp thực hiện của tỉnh phù hợp, đúng trọng tâm, tạo động lực để tiếp tục phát huy, phấn đấu giữ vững kết quả xếp hạng và cải thiện trong những năm tiếp theo.

P.V: Để đạt kết quả đó, tỉnh đã thực hiện những biện pháp gì?

Ông T.L.H: Tại hội nghị phân tích kết quả chỉ số CCHC năm 2016, chúng tôi đã phân tích, nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để mất điểm trong các tiêu chí thành phần. Đặc biệt, phân tích nguyên nhân từng nội dung, tiêu chí sau đó đề ra các giải pháp thực hiện, tập trung các nội dung bị mất điểm. Chúng tôi đã tham mưu thành lập Tổ kiểm tra tiến độ thực hiện. Tháng 8-2017, tổ đã kiểm tra tại 6 sở (Nội vụ, Tư Pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính) phụ trách các nội dung trong thành phần điểm. Sau đợt kiểm tra, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh tiến độ thực hiện, đánh giá khả năng hoàn thành từng tiêu chí điểm những nội dung khó thực hiện. Đến tháng 11-2017, tổ kiểm tra rà soát lần cuối các tiêu chí điểm, tập hợp tài liệu kiểm chứng, cập nhật, bổ sung kịp thời tài liệu, văn bản giải trình trong phần mềm chấm điểm của Bộ Nội vụ. Cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của UBND tỉnh nhiều nội dung đạt điểm tối đa, vượt xa chỉ tiêu Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh giao là phấn đấu cải thiện vị trí xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố.

P.V: Xin ông cho biết những giải pháp để giữ vững thành tích, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cạnh tranh?

Ông T.L.H: Để giữ vững thành tích cần quyết tâm hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI, PAPI, ParIndex tỉnh đã ban hành. Tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ Kiểm tra công vụ tỉnh; tiếp nhận và xử lý các kiến nghị phản ánh của công dân và doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà, thái độ giao tiếp không đúng mực… của công chức, viên chức. Đẩy nhanh tiến độ gắn Camera giám sát hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 11 huyện, thị xã, thành phố và 156 xã, phường, thị trấn. Qua đó, giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên hệ giải quyết thủ tục hành chính.

Đánh giá mô hình “Ngày không viết, không hẹn” của UBND TP. Long Xuyên và 13 phường, xã để sơ kết, rút kinh nghiệm. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ, mục tiêu quản lý Nhà nước theo định hướng của Chính phủ: chính quyền kiến tạo, phục vụ, hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả của công tác CCHC.

Sở Nội vụ sẽ xây dựng đề án đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Chú trọng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Đây là công cụ quan trọng đẩy mạnh công cuộc CCHC trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

P.V: Những khó khăn, cản trở gì trong công tác CCHC của tỉnh cần tháo gỡ, thưa ông?

Ông T.L.H: Đó là chưa đạt tiêu chí về chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thi tuyển công chức cấp xã, để sớm hoàn thành tiêu chí này. Sở Nội vụ phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi tìm kiếm sáng kiến CCHC; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay ở cơ sở.

Cải thiện chỉ số CCHC là vấn đề rất quan trọng và lâu dài cần có sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Với những kết quả đạt được trong năm 2017, tin tưởng và hy vọng chỉ số CCHC tỉnh An Giang tiếp tục giữ vững trong năm 2018 và cải thiện tốt hơn nữa trong những năm tới.

P.V: Xin cám ơn!

HẠNH CHÂU (Thực hiện)