Về phía ta: Bộ Chỉ huy Mặt trận kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ hãy đẩy mạnh phong trào "săn Tây, bắn tỉa" và chuẩn bị tiến công đợt 3. Tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đánh chiếm các cao điểm phía Đông và các cứ điểm phía Tây, đưa tất cả hỏa lực các cỡ của ta vào gần để khống chế không phận, uy hiếp khu trung tâm, tăng cường tiêu hao sinh lực địch và tranh thủ tiếp tế, tiến công tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Hàng dài xe thồ trên đường ra chiến dịch. Ảnh TTXVN
Trên các tuyến chiến dịch, tất cả người và phương tiện đều dồn sức vào một cuộc thi đua nước rút với thời tiết, với kẻ thù. Những đoàn dân công lên đường phục vụ chiến dịch từ mùa đông, nay đã sang hè. Những chiếc xe thồ tốt nhất cũng trở thành ọp ẹp, chắp vá. Xe ô tô vận tải chạy liên tục, không có thời gian bảo dưỡng, mỗi ngày một xộc xệch.
Đôi chân không mỏi của hàng vạn đồng bào tiếp tục băng đèo, lội suối, vượt qua bom đạn. Những chiếc xe vận tải cũng không chịu bỏ cuộc giữa đường, tiếp tục vượt những sườn đèo sạt lở bất chấp máy bay địch đánh phá. Khó khăn lớn nhất đối với lái xe không chỉ có bom đạn, mà còn phải chống lại cơn buồn ngủ sau nhiều đêm ròng ngồi bên tay lái không ngủ.
Trong chiến dịch này, công tác chính trị đã có nhiều tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn. Một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ, các đoàn văn công đã có mặt hợp thành một binh chủng đặc biệt trong đội hình chiến dịch. Tổng cục Chính trị đưa theo cả một bộ phận nhà in.
Cán bộ, chiến sĩ đọc Báo Quân đội nhân dân để biết thông tin từ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã trực tiếp tổ chức tòa soạn ở tiền phương, truyền đạt mọi chủ trương của lãnh đạo, phản ánh các trận đánh kịp thời, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ, góp phần động viên tinh thần và ý chí quyết thắng của bộ đội và dân công.
Có những bài hát, bài thơ được sáng tác ngay tại mặt trận, những thước phim tư liệu quý giá dành cho lịch sử. Văn công biểu diễn tại chiến hào, trong hầm pháo. Truyền đơn vận động binh lính địch được tán phát vào tận trong khu trung tâm. Cuối tháng 4, ta đã xây dựng xong một hệ thống loa truyền thanh xung quanh tập đoàn cứ điểm, thường xuyên tác động vào tư tưởng binh lính địch đang sống trong "địa ngục trần gian".
Sự sâu sát đặc biệt của cán bộ tham mưu, chính trị đối với các đơn vị tham gia chiến dịch là kết quả của đợt chỉnh huấn mùa hè. Các phái viên đã cùng cán bộ cơ sở giải quyết những khó khăn tại chỗ, cũng như kịp thời báo cáo mọi mặt tình hình với Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận. Những đồng chí lãnh đạo ngành hậu cần luôn luôn ở trên mặt đường để bám sát tình hình.
Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiễn đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu
Đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đóng góp cho chiến dịch gần 11.000 tấn lương thực, thực phẩm đến mức gần như cạn kiệt nguồn dự trữ. Sau chiến thắng, Nhà nước đã phải có nhiều biện pháp cứu đói và nhanh chóng phục hồi sản xuất ở Thanh Hóa. Nhân dân Tây Bắc, chủ yếu là 4 huyện: Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, đã đóng góp 32.000 dân công, 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt. Riêng huyện Tuần Giáo giáp với Điện Biên Phủ, người thưa ruộng hiếm, đã góp cho mặt trận 1.200 tấn gạo, vượt rất xa mức dự kiến của cơ quan cung cấp đề ra lúc đầu. Nhiều nơi đồng bào đóng góp cả thóc giống. Sau chiến dịch, hậu phương phải chuyển ngay thóc giống và nông cụ lên Tây Bắc để giúp nhân dân kịp thời tiếp tục sản xuất.
Đến cuối tháng 4-1954, mặc cho quân địch phản ứng quyết liệt, điên cuồng. Vòng vây của bộ đội ta xung quanh Mường Thanh, Hồng Cúm đã siết chặt lại. Mọi việc chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 3 đã cơ bản hoàn thành.
Về phía địch: Trên thực tế, địch đã rơi vào tình trạng bị "bóp nghẹt". Phạm vi chiếm đóng của chúng còn rất hẹp, lương thực, đạn dược cạn dần. Tình hình tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khó khăn đến nỗi Cogny phải điện cho Navarre báo cáo: "Kết quả thả dù tiếp viện cho Điện Biên Phủ ngày 28, đêm 28, ngày 29, đêm 29 là số không. Chỉ có Hồng Cúm là nhận được 22 tấn". Trước thời điểm ta mở đợt tiến công thứ 3, De Castries gửi điện cho Cogny với nội dung "Điện Biên Phủ chỉ còn 275 viên đạn 155m, 140.000 viên đạn 105mm, 5.000 viên đạn cối 120mm". Và yêu cầu của De Castries là phải tiếp tế khẩn cấp.
Cuộc chiến đấu càng ác liệt thì số sĩ quan, binh lính Pháp bị thương càng tăng nhanh gây cho chúng rất nhiều khó khăn. Trong những ngày cuối tháng 4, trời mưa đã biến chiến hào thành những bãi lầy. Cuộc sống chui rúc, ngoi ngóp của binh lính Pháp trong bùn lầy, dưới bom đạn, mưa gió dầm dề suốt ngày đêm đã nhanh chóng tiêu hao thể lực và làm suy sụp tinh thần chiến đấu của chúng. Thấy nguy cơ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể bị ta tiêu diệt, Chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Chính phủ Mỹ mở cuộc hành binh Vautour nhằm giải vây cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng ngay trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ có sự bất đồng nên kế hoạch đó cuối cùng bị hủy bỏ. Navarre cũng đã tính đến một cuộc hành binh giải vây từ lưu vực sông Nậm Hu (Thượng Lào) tiến về Điện Biên Phủ và Cogny lại một lần nữa dự định sử dụng khoảng 4 binh đoàn cơ động đánh sâu vào hậu phương ta. Vì không còn lực lượng và phương tiện, các kế hoạch này trên thực tế chỉ là mong muốn hão huyền của Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương trước số phận Điện Biên Phủ đã được định đoạt.
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ
Tại Liên khu 4, ta tiến công vào Ưu Điềm, Phò Trạch tiêu diệt hơn 200 tên địch, 1 kho xăng bị đốt cháy.
Theo THÀNH VINH (Báo QĐND) (lược trích)