Thẳng thắn nhìn nhận những nguy cơ trong Đảng
Suốt chiều dài xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn thẳng thắn nhìn nhận những nguy cơ, thách thức của đất nước, của Đảng để khắc phục, sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, đạo đức là “gốc”, nền tảng của người cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”3.
Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII bàn nhiều giải pháp ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. (Ảnh: Hiền Hòa)
Tuy nhiên, nguy cơ chính trong Đảng lại đến từ cán bộ, đảng viên. Nếu Đảng ra quyết sách, đường lối chính sách đúng, nhưng cán bộ, đảng viên năng lực yếu kém, đạo đức không tốt, thoái hóa biến chất, luôn tìm cách tư lợi cho bản thân, làm sai đường lối chính sách, khiến lòng dân không tin vào Đảng, vào cán bộ, thì công cuộc xây dựng đất nước gặp nhiều khó khăn.
Do đó, khi nói về nguy cơ của Đảng, Cương lĩnh năm 1991 nhận diện: “Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên”4. Đến Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã chỉ ra 4 nguy cơ lớn – và cũng là nguy cơ nội tại, đó là “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới…; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”5. Và Đại hội X năm 2006 đã đánh giá rằng: "Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng"6. Từ đó, Đại hội nhấn mạnh như một cảnh tỉnh trong Đảng, tương tự như Đại hội IX: "Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ"7.
Đặc biệt, đến Đại hội X, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”8 – ám chỉ những hành động liên quan đến tham nhũng của cán bộ, đảng viên – đang diễn ra trong Đảng. Và cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhắc đến bắt đầu từ tại Đại hội XI của Đảng.
Đại hội XII của Đảng vẫn khẳng định: "Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút"9.
Quyết liệt chỉnh đốn Đảng
Đảng ta luôn xác định, xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Muốn vững mạnh, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình. Xuyên suốt các kỳ Đại hội, vấn đề chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được nhắc đi nhắc lại.
Mở đầu thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: "Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”10.
Cương lĩnh Đại hội VII đã nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, "Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo"11.
Đại hội VIII của Đảng khẳng định “trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điểm và yếu kém của mình, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo”12.
Từ đó, Đảng đã đưa ra hàng loạt những giải pháp quyết liệt. Đại hội VI đã xác định phải "Ban hành những quy định ngăn ngừa thói khoa trương, thổi phồng thành tích. Thi hành kỷ luật những cán bộ, những tổ chức “làm láo, báo cáo hay”, có thái độ nghiêm khắc với những kẻ xu thời, vụ lợi, xu nịnh…Những hành động cửa quyền, hống hách, ức hiếp quần chúng phải bị lên án và thi hành kỷ luật”13.
Đại hội VII đòi hỏi phải "Khai trừ khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị và đạo đức, gây chia rẽ, bè phái, tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng. Đưa ra khỏi Đảng bằng những hình thức thích hợp những đảng viên không tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí chiến đấu, thực sự không có tác dụng đối với công tác lãnh đạo của Đảng"14. Đại hội VIII xác định phải chống lại các hiện tượng thoái hóa, biến chất một cách kiên quyết hơn, triệt để hơn: "Xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, bất kể là ai, bất kể ở cương vị nào"15. Các đại hội tiếp theo, đã đặc biệt nhấn mạnh những biện pháp nghiêm minh đó.
Song, trên thực tế, công tác chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tiêu cực khác trong toàn xã hội và trong nội bộ Đảng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu trước đây tại các kỳ Đại hội chủ yếu nhắc đến các hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên là tình trạng quan liêu, suy thoái, biến chất… nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo, thì ngày nay các biểu hiện của tình trạng tham nhũng, lãng phí, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và hậu quả lớn hơn rất nhiều lần. Đại hội Đảng lần thứ XII nhận định: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi.... Những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên" 16.
Lễ tuyên dương, trao thưởng cho 45 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2017. (Ảnh: Minh Châu)
Trong những năm gần đây, Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm đánh đổ thành trì kiên cố của tham nhũng, lãng phí. Đại hội XII của Đảng đưa ra nhiệm vụ đối với công tác xây dựng Đảng: "Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", gây mất đoàn kết trong Đảng. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước"17.
Năm 2017 đánh dấu sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với một loạt các văn bản về những sai phạm của cán bộ, đảng viên. Theo kế hoạch năm 2018, công tác này sẽ tiếp tục nóng hơn với tinh thần chủ động, quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp phải chủ động trong kiểm tra, phát hiện vi phạm, khi có dấu hiệu vi phạm phải tiến hành kiểm tra ngay, trước cả các cơ quan khác, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. 2018 và những năm tiếp theo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiểm tra cách cấp, tức là sẽ bỏ qua cấp tỉnh mà xuống thẳng cấp dưới, từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng; chỉ đạo nghiệp vụ giám sát với các tỉnh, thành, tập trung kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Còn nội dung, đối tượng thì Ủy ban vẫn tập trung kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiện vi phạm, trước hết là những cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Lĩnh vực kiểm tra tập trung vào tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai, công tác cán bộ... như vừa qua đã làm và đạt được kết quả.
Đứng ở góc độ một đảng viên luôn dõi theo những thay đổi của Đảng, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định chưa bao giờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc quyết liệt và đều đặn như thế và kết quả đã đáp ứng yêu cầu của người dân. Đồng thời bảy tỏ mong muốn Đảng ta sẽ tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ và thường xuyên hơn.
Thời gian qua, nhiều vụ đại án đã bị phát hiện và đưa ra xét xử, điển hình như: vụ đại án tại Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng; hay các vụ tham nhũng, lãng phí ở Tập doàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam… Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, rất nhiều địa phương đã đưa ra các quyết định kỷ luật, trong đó có cả quan chức cấp cao nhất của tỉnh, cán bộ do Trung ương quản lý. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, không có “vùng cấm” trong kỷ luật cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã dám nói lên sự thật và triệt tiêu tận gốc đối với tệ tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Những chuyển động đó đã chứng minh lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 31-7-2017: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.
Với quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Đảng sẽ đứng vững trước những khó khăn, trở ngại và thách thức.
Theo THƯƠNG HUYỀN (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)