Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao

14/02/2023 - 07:01

 - Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng giúp tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội (KTXH). Thời gian qua, An Giang có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ nông dân ứng dụng KH&CN, phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở KH&CN Tầng Phú An xoay quanh vấn đề này.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trại Phan Nam

P.V: Thưa ông, người dân quan tâm và mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Vì hiện nay, người dân phải bỏ ra vốn đầu tư cao (kinh phí đầu tư nhà lưới 400-500 triệu đồng/1.000m2). Tỉnh có chính sách nào để khuyến khích và hỗ trợ nông dân?

Ông Tầng Phú An: Từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 71/2019/QĐ-UBND quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD); các tổ chức và DN KH&CN có địa chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh. Riêng DN, cơ sở SXKD phải hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước.

Điều kiện hỗ trợ: Những dự án ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm phải mới, tiên tiến, có hiệu quả, tính khả thi và tính bền vững so với công nghệ cũ. Ưu tiên hỗ trợ các dự án có công nghệ cần chuyển giao của đơn vị trong tỉnh cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh; các mô hình, dự án áp dụng sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích. Ưu tiên xem xét hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Dự án được hỗ trợ phải mang tính khả thi và giải quyết được nhu cầu bức xúc, cấp thiết của ngành, địa phương. Đồng thời, phù hợp với lĩnh vực ưu tiên và danh mục hỗ trợ được xem xét. Đặc biệt, kết quả sản phẩm dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao; phải đảm bảo nguồn kinh phí đối ứng theo quy định (nếu có) và khả năng duy trì, nhân rộng dự án. Hộ tham gia thực hiện dự án nếu chưa nghiệm thu thì không được tham gia dự án khác (trừ dự án phục vụ mục tiêu phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị). Các dự án hỗ trợ phải có thị trường tiêu thụ hay biên bản ghi nhớ hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm (đối với dự án nhân rộng mô hình).

Định mức hỗ trợ dự án đổi mới công nghệ: Tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 600 triệu đồng. Tối đa đến 50% tổng kinh phí thực hiện và không quá 500 triệu đồng đối với các dự án thực hiện ở các vùng KTXH khó khăn. Đối với dự án nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả được hỗ trợ tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng. Đối với dự án sản xuất thử nghiệm: Hỗ trợ tối đa đến 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 700 triệu đồng. Hỗ trợ tối đa 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc dự án triển khai tại địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn, nhưng không quá 600 triệu đồng.

Tối đa đến 70% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai trên địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ không quá 500 triệu đồng. Dự án về chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, chuyển giao sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích tối đa đến 100%, nhưng không quá 300 triệu đồng. Dự án tập huấn kỹ thuật là 100%, nhưng không quá 200 triệu đồng.

P.V: Liên quan đến chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông dân cần lưu ý gì, thưa ông?

Ông Tầng Phú An: Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao không phải lúc nào cũng cần vốn cao, để áp dụng công nghệ hiệu quả chúng ta phải làm chủ công nghệ, chứ không phải sở hữu công nghệ. Vì vậy, trong đổi mới công nghệ không nhất thiết thay đổi hoàn toàn mà có thể thay đổi một trong 4 thành phần: Thiết bị, con người, thông tin và tổ chức. Việc chọn trình độ công nghệ ở mức độ nào phải dựa vào hiệu quả của nó mang lại và cần xác định rõ thị trường, phân khúc khách hàng để xác định công nghệ áp dụng phù hợp.

P.V: Lực lượng nông dân trẻ dễ tiếp cận KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng này có xu hướng thoát ly nông nghiệp. Tỉnh có chính sách gì khuyến khích lực lượng nông dân trẻ làm nông nghiệp thời 4.0, thưa ông?

Ông Tầng Phú An: Qua kết quả điều tra dân số năm 2019, sau 10 năm, tính từ thời điểm Tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009, quy mô dân số của An Giang giảm hơn 234.000 người. An Giang là tỉnh có mật độ di dân đi khỏi địa phương nhiều nhất cả nước, trong đó trên 70% người dân sống ở nông thôn. Đây là xu thế chung, nhất là ở các nước đang phát triển, vấn đề là chúng ta phải hạn chế việc di dân quá mức và khai thác mặt lợi của xu thế này.

Để hạn chế thanh niên nông thôn lên thành thị hoặc các khu công nghiệp quá mức, Sở KH&CN tham mưu tỉnh ban hành một số chính hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như: Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025; Quyết định 1406/QĐ-UBND, ngày 29/6/2021 ban hành kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025.

Theo Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND chi hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: 7 triệu đồng/đơn vị. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Hỗ trợ tối đa 56 triệu đồng/nhiệm vụ/DN đối với nhiệm vụ tư vấn, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN. Hỗ trợ tối đa 56 triệu đồng/DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

P.V: Xin cám ơn ông!

HẠNH CHÂU (thực hiện)