Bà Vôi trình bày vụ việc
Bà Nguyễn Thị Vôi thông tin: “Trước đây, gia đình tôi có căn nhà cấp 4 trên phần đất 137m2 (tọa lạc tại khóm Bắc Sơn), sinh sống ổn định mười mấy năm. Đầu tháng 4/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (Công ty TNR) đầu tư dự án Khu đô thị du lịch lễ hội (TNR Stars Thoại Sơn). Đất nhà tôi nằm trong khu dự án. Tôi yêu cầu phía công ty bồi thường 700 triệu đồng. Sau đó, lãnh đạo UBND thị trấn Núi Sập mời tôi đến trụ sở trao đổi thương lượng, với sự có mặt của Công ty TNR. Các bên đi đến thống nhất: Tôi nhận 170 triệu đồng làm chi phí di dời nhà (được nhận trước 150 triệu đồng, còn lại 20 triệu đồng gửi lại làm chi phí khi giao nền). Đồng thời, UBND thị trấn sẽ giao cho tôi 2 nền nhà linh hoạt tại Khu dân cư Bắc Sơn. Ngược lại, tôi phải giao toàn bộ diện tích đất của tôi và không nhận giá trị bồi thường”.
Cũng theo bà Vôi, ngày 8/5/2019, gia đình thực hiện đúng thỏa thuận, bàn giao đất cho Công ty TNR sau khi đã nhận đủ 150 triệu đồng. Trong thời gian chờ địa phương giao nền, gia đình thuê nhà ở tạm. Ngày 20/7/2019, UBND thị trấn cử cán bộ địa chính chỉ cho bà 2 nền nhà (ngang 8m, dài 29,2m và ngang 9,4m, dài 15,2m) sẽ giao tại khu dân cư Bắc Sơn, nhưng không có quyết định giao nền. Do vậy, nhiều lần bà gửi đơn đến huyện, tỉnh yêu cầu giải quyết và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 2 nền linh hoạt theo thỏa thuận. Tháng 11/2019, UBND huyện Thoại Sơn chấp thuận giao cho bà 2 nền linh hoạt, bà sẽ hoàn trả 20 triệu đồng (đã nhận trước đây của Công ty TNR).
“Mặc dù tôi thực hiện đầy đủ thỏa thuận trên, dự án TNR Stars hoàn thiện từ lâu, nhưng đến nay UBND huyện Thoại Sơn vẫn chưa ban hành và giao quyết định cấp nền tái định cư cho tôi, cũng chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ với lý do tôi không có quyết định giao nền. Rất mong cơ quan thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Hiện tại, tôi phải ở nhờ trên đất của người khác” - bà Vôi đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Thoại Sơn thông tin: “Xét đơn của bà Nguyễn Thị Vôi xin giao 2 nền tại khu dân cư mở rộng ấp Bắc Sơn, UBND huyện đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện tham mưu, đề xuất giải quyết theo quy định. Hiện tại, Ban Quản lý Dự án phối hợp các ngành liên quan, gửi hồ sơ đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh sớm hoàn chỉnh bản đồ địa chính, cắm mốc phân lô theo chủ trương của tỉnh. Sau khi có đầy đủ thủ tục pháp lý, huyện sẽ xem xét giải quyết”.
ThS, luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh) thông tin, trường hợp cá nhân hoặc tổ chức thỏa thuận hoán đổi đất với nhau, bắt buộc phải tuân thủ các nội dung: Về hình thức của hợp đồng chuyển đổi, ý chí của các bên khi thực hiện việc chuyển đổi, nội dung chuyển đổi không được trái pháp luật và đạo đức xã hội, chủ thể thực hiện việc chuyển đổi được pháp luật cho phép. Theo pháp luật đất đai năm 2013, hoán đổi nền đất để lấy nền đất giữa gia đình bà Vôi với UBND cấp xã là không phù hợp quy định, vì UBND cấp xã không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, quyết định chuyển đổi hay bán nền đất tái định cư theo giá linh hoạt (hoặc theo giá quy định của Nhà nước) tại khu tái định cư cho gia đình bà Vôi. Quyền này nếu có chăng, thuộc về UBND cấp huyện. Mặc dù, gia đình bà Vôi đã nhận được nền đất theo chỉ dẫn trên thực địa từ năm 2019 đến nay, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 2 nền đất này, là do còn thiếu quyết định giao đất của UBND cấp huyện.
Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ khi có giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế QSDĐ thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền. Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một chứng thư bắt buộc để người sử dụng đất thực hiện các quyền về QSDĐ của mình. Trường hợp người sử dụng đất chỉ được QSDĐ theo chỉ dẫn trên thực địa mà không có giấy chứng nhận QSDĐ thì người sử dụng đất không thể nào thực hiện trọn vẹn QSDĐ của mình theo quy định pháp luật về đất đai.
K.N