Chợ Mới phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

24/08/2022 - 07:55

 - Chợ Mới là địa phương đông dân nhất tỉnh và cũng đứng nhất, nhì toàn tỉnh An Giang về số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) nên công tác lãnh, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm.

Chợ Mới ra quân chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết”

Với đặc thù là địa phương dân cư tập trung đông đúc, sông ngòi chằng chịt, một số hộ dân có thói quen trữ nước mưa để sử dụng là điều kiện để muỗi sinh sôi phát triển và gây bệnh. Trong khi ý thức phòng bệnh của người dân còn nhiều hạn chế, chưa chủ động phối hợp thực hiện cùng ngành chuyên môn và chính quyền phòng, chống dịch bệnh nên công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, nhiều người vẫn còn chủ quan và phó thác toàn bộ việc phòng, chống dịch cho ngành y tế, thiếu sự đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh... Đó là nguyên nhân khiến Chợ Mới luôn nằm trong “tốp đầu” dịch bệnh hàng năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trần Minh Dững cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh thời qua luôn được các ngành, địa phương quan tâm. Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người từ huyện đến xã; đồng loạt tổ chức lễ mít-tinh phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH”. Đồng thời, mỗi xã có đội đặc nhiệm gồm 10 thành viên do trưởng trạm y tế làm đội trưởng. Mỗi xã thực hiện 2 lần/tháng tuyên truyền, vận động “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH, bệnh do vi rút zika, bệnh nhiễm chikungunya”.

Duy trì “Tổ tự quản không có lăng quăng”; triển khai cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh đăng ký “Nhà không có lăng quăng” và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; thành lập 2 đội chống dịch cơ động, 2 đội phun hóa chất chuyên nghiệp đảm bảo cho công tác chống dịch kịp thời và hiệu quả. Đã tổ chức phun hóa chất diện rộng cho các ấp có ổ dịch, ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường... “Tuy nhiên số ca mắc SXH vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, chưa thực hiện tốt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch” - ông Trần Minh Dững chia sẻ.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trần Minh Dững yêu cầu, thời gian tới tiếp tục nâng chất hoạt động đội đặc nhiệm xử lý ổ dịch tuyến xã; đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH và các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện 2 đợt phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch, bệnh SXH” cấp xã. Tiếp tục triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH Dengue dựa vào cộng đồng mỗi tháng 1 đợt.

Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá chỉ số côn trùng SXH. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hạn chế thấp nhất tử vong. Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND huyện về các mặt công tác liên quan đến phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Kiểm tra và làm việc về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, tay - chân -miệng và tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn huyện Chợ Mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các ngành, các cấp, địa phương tập trung lãnh, chỉ đạo huy động ban ngành, đoàn thể, đặc biệt lực lượng cán bộ tại tổ dân phố, khóm, ấp và cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận hộ gia đình để người dân chủ động tham gia.

Triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) hàng tháng và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao. Các địa phương tăng cường kiểm tra, vận động toàn thể người dân cùng tham gia; tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch trong cộng đồng...

Tính đến ngày 23/8, huyện Chợ Mới ghi nhận 1.951 trường hợp mắc bệnh SXH ở 18/18 xã, thị trấn, tăng gần 310% so cùng kỳ năm 2021, không có tử vong; đã xử lý 537 ổ dịch. Bệnh tay-chân-miệng ghi nhận 511 ca, tăng 12,6%, đã xử lý 98 ổ dịch.

 

HẠNH CHÂU