Chủ động ứng phó hạn, mặn trong mùa khô 2023

27/02/2023 - 06:58

 - Dự báo mùa khô 2023 sẽ diễn biến phức tạp nên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang đã chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh.

Diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang (Ban Chỉ huy tỉnh An Giang), dự báo mùa nắng nóng năm 2023 có khả năng đến sớm và kết thúc muộn, với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn so trung bình nhiều năm. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm.

Khoảng tuần đầu tháng 3/2023, có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ ở một số huyện, thị xã, thành phố khu vực biên giới, như: Tri Tôn, Tịnh Biên, An PhúTP. Châu Đốc. Từ tháng 4 đến tháng 6/2023, có khả năng xảy ra 4 - 6 đợt nắng nóng diện rộng trên toàn tỉnh, nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng khoảng 35 - 37oC.

Mực nước thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc giai đoạn mùa khô 2022 - 2023 có khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Khu vực tỉnh An Giang, mực nước trên các sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều với xu thế xuống dần, ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.

Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang xuất hiện từ cuối tháng 12/2022, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3 và 4/2023, ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3‰ và duy trì trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 5/2023.

Các địa phương cần chủ động phương án ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong cao điểm mùa khô năm 2023

Với diễn biến phức tạp của thời tiết, dự kiến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ phát sinh khó khăn trong cao điểm mùa khô 2023. Một số địa phương như Tri Tôn, Tịnh Biên, khu vực gò cao ở các huyện An Phú, Phú Tân và TP. Châu Đốc sẽ đối mặt với hiện tượng hạn kiệt, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Ngoài ra, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân tại một số khu vực chưa có hệ thống cấp nước tại các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Phú Tân… Với các khu vực vùng cao của huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, do nguồn nước dự trữ không đảm bảo nên có thể xảy ra hiện tượng thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Ngoài ra, hiện tượng xâm nhập mặn từ tỉnh Kiên Giang vào sâu trong nội đồng có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã thuộc huyện Thoại Sơn, như: Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Đông, Vọng Thê và thị trấn Óc Eo.

Chủ động ứng phó

Trước dự báo phức tạp của mùa khô 2023, Ban Chỉ huy tỉnh An Giang đã yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất, cũng như biện pháp sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2022 - 2023 phù hợp tình hình thực tế.

Trong đó, phải xác định nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm phương án chống hạn của các địa phương và đơn vị cung cấp nước. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới của địa phương.

Trong việc quản lý, vận hành, khai thác công trình tiết kiệm nước, Ban Chỉ huy tỉnh An Giang yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi độ mặn tại các kênh giáp ranh tỉnh Kiên Giang, các nguồn lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt để chủ động vận hành hợp lý. Phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, nhất là các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho các tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ.

Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang và các trạm thủy lợi liên huyện phối hợp địa phương vận hành hệ thống cống hợp lý nhằm điều tiết, trữ nước vào kênh rạch để phục vụ khoảng 7.752ha đất sản xuất ở các huyện An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc.

Về các giải pháp công trình, Ban Chỉ huy tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên diện tích gieo trồng lúa, màu khoảng 250.000ha. Theo đó, cần chủ động bố trí từ nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP để thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, một số địa phương giáp ranh tỉnh Kiên Giang của huyện Thoại Sơn, Tri Tôn cần triển khai đấu nối tuyến ống cấp nước sinh hoạt để phục vụ người dân tùy vào điều kiện cụ thể. Với các địa phương vùng cao như huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, cần đắp các đập tạm trữ nước và sử dụng phương tiện vận chuyển nước nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung cải tạo hiệu dụng của các hồ thủy lợi, như: Ô Thum, Soài Chék, Ôtuksa để phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 500ha thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Tiếp tục thực hiện các công trình thủy lợi vùng cao phục vụ tích trữ nước, như: Hồ Núi Dài 2, hồ Cô Tô (huyện Tri Tôn) và hồ Tà Lọt (huyện Tịnh Biên). Đồng thời, đầu tư trạm bơm Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) để cung cấp nước sinh hoạt cho 1.700ha đất sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng khi cần thiết..

MINH QUÂN