Chủ tịch Hội Phụ nữ vùng quê làm theo lời Bác

10/12/2020 - 05:01

 - Dù trẻ tuổi đời, thời gian gắn bó với công tác hội phụ nữ chưa lâu (5 năm) nhưng chị Trần Thị Mân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn, An Giang) đã có nhiều sáng kiến, mô hình dân vận khéo hỗ trợ phụ nữ mua bán nhỏ, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Mân luôn nhiệt tình trong các phong trào, công tác hội

“Tôi luôn trăn trở và suy nghĩ phải tìm ra những cách làm ăn hiệu quả nhằm giúp chị em phụ nữ nghèo, khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường đã được chú trọng triển khai thực hiện.

Hàng năm, Hội LHPN xã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn thể liên quan tiến hành rà soát hộ gia đình hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế gia đình”.

 Kể từ khi phát động đợt thi đua với chủ đề “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, thông qua nhiều hình thức tiết kiệm khác nhau chị em phụ nữ xã Vĩnh Phú đã phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” hỗ trợ nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Thành lập từ năm 2009, mô hình nuôi heo đất của hội viên phụ nữ ngày càng phát triển, theo đó đã có 315 chị em phụ nữ tham gia mô hình, với 24 tổ rải đều 6 ấp trên địa bàn. Theo chị Mân, mỗi năm, heo đất được “đập” một lần vào dịp 20-10. Tổng số tiền từ việc nuôi heo tiết kiệm hàng năm được khoảng 1,6 tỷ đồng.

“Từ đây, hội viên đã trích lại một ít, góp vào hội phí của hội để giúp đỡ hội viên khó khăn. Thông qua mô hình, chúng tôi muốn chị em phụ nữ nêu cao tinh thần tiết kiệm, mỗi ngày một ít “tích tiểu thành đại”. Bởi nhiều đồng tiền nhỏ mới thành đồng tiền lớn. Từ số tiền này, chị em tích lũy mua sắm vật dụng trong gia đình chi phí cho con em đi học, chi phí đám tiệc, cưới xin, ma chay, chi phí sinh hoạt trong gia đình...”- chị Mân bày tỏ.

Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, với vai trò là người đứng đầu của Hội LHPN xã, chị Mân luôn tìm tòi, đổi mới cách nghĩ, cách làm cùng các chị em trong Ban Chấp hành Hội LHPN tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện, tạo chuyển biến trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, gắn với nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện.

Từ đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của phụ nữ, đặc biệt là trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội; tham gia xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị đã làm tốt công tác tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hội. Chỉ đạo thành lập mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, nhằm thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang được các chi hội trong xã duy trì và nhân rộng. Đó là mô hình xoay vòng vốn mua bảo hiểm y tế cho chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đang được duy trì, thực hiện một cách hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ hội viên.

Năm 2020, đã có 30 hội viên khó khăn được xoay vòng vốn mua bảo hiểm y tế. Nhiều chị đã bày tỏ niềm vui vì nhờ có thẻ bảo hiểm y tế mà những lúc ốm đau, bệnh tật đột ngột cũng đỡ chi phí rất nhiều. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, bằng việc quyên góp tiền mặt, ngày công, những năm qua, Hội LHPN xã đã phối hợp các đoàn thể cất mới 10 căn nhà, sửa chữa 15 căn  nhà cho 7 hội viên có hoàn cảnh nghèo khó.

Chị Mân còn phát huy vai trò người đứng đầu Hội LHPN xã Vĩnh Phú bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực, được nhiều chị em tham gia ủng hộ như may khẩu trang vải trong đợt dịch COVID -19 hồi đầu năm. Theo đó, chị Mân đã thành lập 3 tổ may khẩu trang vải với 12 thành viên. Chỉ trong thời gian ngắn, các chị đã may được gần 11.000 khẩu trang. Qua đó đã phát 6.700 khẩu trang cho người dân và 4.200 khẩu trang cho các trường học trên địa bàn xã.

“Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình học tập Bác hiệu quả nhằm rèn luyện hội viên từ những việc nhỏ nhất; đồng thời phát triển những mô hình kinh tế mới, giúp chị em thoát nghèo bền vững” - chị Mân nhấn mạnh.

PHƯƠNG LAN