Chủ tịch Quốc hội: Giữa được việc và không muốn làm mất lòng, tôi chọn được việc

23/01/2024 - 08:13

Nhân dịp năm mới, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về những dấu ấn trong hoạt động lập pháp cũng như một số vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm.

Nhìn lại công tác lập pháp trong nửa nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Quốc hội ấn tượng với nhiệm vụ nào nhất và có thời khắc nào khiến ông giằng co, cân não khi đưa ra quyết định?

Trong công tác lập pháp, có những việc có thể nói là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”. Trước khi họp Kỳ 6 một tháng, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa 2 dự thảo nghị quyết vào chương trình.

Một là dự thảo nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thứ hai là nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Sau khi họp một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận đồng ý trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Còn nghị quyết về cho phép áp dụng thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp 2 lần cũng chưa thông qua được để trình Quốc hội.

Vì vậy, tại phiên họp trù bị của kỳ 6, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội cho rút nghị quyết này, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và Quốc hội đã đồng ý. Sau đó, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả 2 nghị quyết này.

Tuy nhiên, trong lúc đang diễn ra Kỳ họp thứ 6, các tập đoàn đa quốc gia lúc này lại thay đổi, kiến nghị thông qua trước nghị quyết về thuế thu nhập toàn cầu có hiệu lực pháp lý từ ngày 1/1/2024 để không xảy ra tranh chấp pháp lý với các nước về nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ.

Trước tình thế như vậy, sau khi tính toán kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống, chúng tôi đã tìm ra phương án tốt nhất có thể. Tôi đã gợi ý trình nội dung về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao theo hướng đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp bằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Và nếu chi từ Quỹ ra sẽ dễ dàng hơn thay vì chi bằng dự toán ngân sách. Nghe vậy, tất cả các cơ quan đồng ý.

Sau khi các bên thống nhất báo cáo với Thủ tướng, nửa đêm, Thủ tướng còn gọi điện cho tôi rất là phấn khởi. Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu trở lại chương trình. Riêng với chính sách này sẽ giúp chúng ta năm tới thu thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Quốc hội cũng đồng ý chủ trương cho lập Quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn thuế này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng nghị định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Sau khi Quốc hội thông qua 2 chính sách quan trọng này, cử tri, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đón nhận như thế nào, thưa ông?

Làm được những việc này, dư luận đánh giá rất tốt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho tôi hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài và kêu gọi các tập đoàn khác vào mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhưng không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước của chúng ta sẽ hưởng lợi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Việc này có tác động và ý nghĩa rất lớn, đáp ứng nguyện vọng của các bên mà bản thân Quốc hội, đại biểu Quốc hội cùng Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng nhiều chiều, đưa ra đưa vào. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội rất đau đầu và có thể nói không có phương án nào tối ưu hơn.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức nhưng có lẽ không có nhiều nước làm được như vậy vì việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới.

Có thể nói đây là một ví dụ điển hình của “kéo pháo vào, kéo pháo ra” trong công tác xây dựng pháp luật để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và yêu cầu kiến tạo phát triển.

Mai này viết hồi ký về chuyện này, tôi nghĩ bán chắc cũng chạy lắm. Những gì tôi nói hôm nay cũng chưa đầy đủ hết, phải để dành vốn sau này viết sách các nhà báo mua đọc (cười).

Một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2023 là Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ông nhận xét như thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này?

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của từng chức danh đã được Quốc hội công bố, báo chí đưa tin đầy đủ, khách quan. Còn nói Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” như thế nào thì tôi không dám. Việc này không ai khác đánh giá được mà chính xác nhất là từ kết quả phiếu tín nhiệm, tự mỗi người soi lại mình và để cử tri, nhân dân đánh giá.

Còn về kết quả của tôi được tín nhiệm như thế thì cũng là sự quá ư là ưu ái của cử tri, nhân dân và đại biểu dành cho Chủ tịch Quốc hội. Chắc là cử tri và các đại biểu Quốc hội cũng muốn động viên Chủ tịch Quốc hội thôi.

Chủ tịch Quốc hội có hài lòng với kết quả phiếu tín nhiệm của chính mình?

Một vị trí đứng mũi chịu sào, thường phải va đập, cọ sát mà tôi thường hay nói “tính tôi ưu điểm là thẳng thắn nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá” mà được tín nhiệm như vậy thì đó là vinh dự lớn lao để tôi cố gắng làm tốt hơn nữa chức trách của mình.

Giữa được việc và không muốn làm mất lòng, tôi xin chọn được việc nhưng phải nói thật lòng là chưa thấy ai giận mình ra mặt cả (cười lớn). Mình vì việc chung thôi chứ không phải tạo áp lực, đòi hỏi cho cá nhân ai cả. Cho nên, lại tự đánh giá bản thân thì ưu điểm của tôi là cầu toàn mà nhược điểm là cầu toàn quá.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá như thế nào về sức nặng của lá phiếu tín nhiệm, nhất là vừa qua lần đầu tiên có một vị Chủ tịch tỉnh nhận phiếu tín nhiệm thấp trên 50%?

Chúng ta cũng cần thẳng thắn với nhau rằng, lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một phương thức đánh giá cán bộ, không phải là “chìa khóa vạn năng”, không phải là duy nhất.

Các bạn đi học, đi thi rồi thì cũng biết, chấm một bài kiểm tra thôi đã có nhiều khác biệt. Ngày tôi còn công tác ở Đại học Tài chính- Kế toán, chúng tôi có thời kỳ thi tuyển đầu vào cả môn Văn. Tôi là Chủ tịch hội đồng chấm thi mà có lúc ngồi khóc, cười ra nước mắt. Một bài có hướng dẫn đáp án nhưng cặp chấm đầu tiên đánh giá rất tuyệt vời, cặp thứ hai chấm chéo thì bảo cũng bình thường thôi, còn cặp thứ ba cho phúc tra lại nói viết chán.

Một bài kiểm tra có đáp án còn thế nữa là đánh giá cán bộ, không bao giờ tuyệt đối được đâu, nhưng cái gì là đại thể, xu thế thì có thể nói được. Đôi khi chỉ vì ý chí cá nhân không thích, không ưa thì cho điểm thấp cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Còn cá biệt có trường hợp này kia thì chúng ta tiếp tục rà soát xem thế nào. Hiện nay chúng tôi cũng đang nắm lại vấn đề và cả nước cũng chỉ có 1 trường hợp ở cấp tỉnh có “phiếu tín nhiệm thấp” trên 50%.

Vừa rồi lấy phiếu tín nhiệm quy mô cũng rất lớn, được tiến hành rất chặt chẽ, công phu; nổi lên là không khí thoải mái, đoàn kết, dân chủ. Trước, trong và sau khi lấy phiếu cả những người được lấy phiếu cũng rất thoải mái không căng thẳng; không có tình trạng vận động, lobby mời đoàn nọ, đoàn kia.

Có ý kiến bảo là tại sao không để chất vấn xong, thảo luận kinh tế xã hội xong mới lấy phiếu. Tuy nhiên lấy phiếu giữa nhiệm kỳ là đánh giá công tác từ đầu nhiệm kỳ đến giờ cũng đủ dữ liệu, đủ thông tin để đánh giá chứ không phải là chờ đến khi chất vấn xong hay thảo luận xong đấy mới có thông tin.

Hơn nửa nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, điều hành nhiều phiên chất vấn, thảo luận kinh tế xã hội, bám sát các hoạt động của các thành viên Chính phủ, ông “chấm điểm” như thế nào đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành?

Đánh giá chất lượng Bộ trưởng thì cử tri và nhân dân đánh giá là chính xác nhất. Tuy nhiên thông qua nhiều hoạt động trả lời chất vấn, giám sát, lấy phiếu tín nhiệm..., các Bộ trưởng sẽ tự soi, tự sửa là chính.  Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh vừa qua, trong đó có các thành viên Chính phủ đều có số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao là tuyệt đại bộ phận.

Cử tri cũng ghi nhận sự có gắng, nỗ lực của tất cả các cơ quan. Có như thế đất nước mình mới vượt qua những khó khăn, phức tạp để có được những kết quả như bây giờ.

Chúng ta ngồi nói chuyện với nhau ở đây thì thấy bình thường nhưng đi các nước mới thấy thái độ trọng thị của họ đối với Việt Nam. Điều đó cho thấy thành tựu của mình vừa qua là rất lớn, ở tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội từng cho biết, trong năm 2022, 2023 các từ khóa “bất thường”, “đột xuất”, “chưa có tiền lệ” đã được nhắc đến với tần suất khá thường xuyên. Có những ngày lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội phải họp từ 10h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau”; thậm chí ngày thứ bảy, chủ nhật, 3-4h sáng, đèn làm việc ở Nhà Quốc hội vẫn sáng. Vậy từ khóa của năm 2024 là gì, thưa ông?

Năm 2023 có thể nói là một năm khối lượng công việc, hoạt động của Quốc hội lớn nhất trong khóa này. Quốc hội theo Hiến pháp mỗi năm họp 2 kỳ, nhưng riêng năm 2023 có 5 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường. Tính tới giữa nhiệm kỳ này chúng ta đã họp tổng cộng 10 kỳ họp, gần ngang với số lượng kỳ họp của một khóa Quốc hội trước đây.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mỗi tháng họp một phiên thường kỳ, nhưng cũng có rất nhiều phiên họp bổ sung, gồm 2 phiên chuyên đề về pháp luật, 5 phiên họp khác. Như vậy, chúng tôi tính năm nay có gần 20 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và rất nhiều phiên họp chuyên đề toàn quốc.

Bản thân anh em chúng tôi cũng không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ công nhân viên Văn phòng Quốc hội vất vả như thế, thức đêm thức hôm, làm xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không có cuối tuần… Nhưng để đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả thì phải cố gắng gấp đôi, còn với khối lượng như vừa qua thì cần cố gắng gấp ba.

Tôi nhớ trong phát biểu khai mạc của một kỳ họp Quốc hội, tôi từng nói biến công việc bất thường thành bình thường, thường xuyên của Quốc hội, thì bây giờ dự báo ấy hoàn toàn thành sự thật.

Với tinh thần như vậy thì năm 2024, Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn thực tiễn đặt ra. Mọi quyết sách đều phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; càng đối mặt với những bối cảnh đặc biệt thì chúng ta càng phải cố gắng nhiều hơn, lấy bất biến ứng phó với vạn biến; và đương nhiên khi áp lực càng lớn thì càng tạo động lực để làm việc tốt hơn.

Theo VietNamNet