Ảnh minh họa.
Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương ghi nhận số mắc tăng của một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ lan ra diện rộng nếu không được giám sát, phát hiện và xử trí kịp thời.
Cùng với việc mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhu cầu giao thương, du lịch của người dân trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 là rất lớn, bên cạnh đó, các hoạt động chuẩn bị cho khai giảng năm học 2023-2024 dễ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi; không lơ là, mất cảnh giác và đảm bảo việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác;
Chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm tiêu chảy, viêm não ... trên địa bàn.
Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc, thực hiện cách ly, kịp thời xử trị triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; rà soát, củng cố các đội chống dịch cơ động.
Đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá nguy cơ, xử trí và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Cùng đó, chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt, vệ sinh môi trường, vệ sinh tại cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín, rửa tay bằng xà phòng; vận động người dân thực hiện tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử trí kịp thời các vị phạm; giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
Liên quan đến việc bảo đảm công tác khám chữa bệnh dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các Bộ, ngành đảm bảo trực đẩy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ;
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Cùng đó, phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa tập trung đông người... nếu có tại địa phương.
Theo TRẦN LAM (Báo Nhân Dân)