Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường của một số mặt hàng, trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%.
“Ngoài ra, từ 1-9-2018 khi vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp… nên thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Chưa ăng thuế môi trường với xăng lên 4000 đồng/ lít (ảnh IT).
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất và với đa số người dân nên khi điều chỉnh sẽ tác động rất lớn đến kinh tế và xã hội và nền kinh tế. Ông cũng lưu ý tới cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… Theo ông Giàu, nếu áp dụng tăng vào cuối tháng 8 như đề xuất sẽ gây tác động rất lớn, khó kiểm soát được tình hình, nên tăng vào dịp sau Tết Nguyên đán hợp lý hơn.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cân nhắc khi áp dụng tăng kịch trần với xăng, dầu, vì điều này liên quan đến CPI, rồi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tương tự với mặt hàng than đá, sẽ tác động đến điện và có thể làm giá điện tăng lên, cần phải cân nhắc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề về chi phí cơ cấu hình thành giá xăng. Theo bà Nga, bản chất đây là mặt hàng thiết yếu, nếu tăng sẽ tác động ngay đến xã hội. Theo bà Nga, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đã là không đúng, có vấn đề, giờ thuế bảo vệ môi trường cần phải bàn kỹ thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu chắc chắn sẽ tác động tới CPI. “Nếu tăng thuế này Chính phủ có kiểm soát được CPI dưới 4% hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu tăng thuế mà tác động một chút đến lạm phát, nhưng lại có nguồn thu để chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường thì cũng cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc tăng cơ học, tăng thuế lại dẫn đến tăng giá.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo Dân Việt