Chứng kén ăn ở trẻ em phần lớn là do đặc điểm di truyền. (Ảnh: iStock)
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học thuộc các trường Đại học London, King’s College London và Đại học Leeds thực hiện cho thấy chứng kén ăn ở trẻ em phần lớn là do đặc điểm di truyền, trong khi các yếu tố khác, như loại thực phẩm ăn tại nhà và nơi ăn uống, có thể chỉ có ý nghĩa khi trẻ ở độ tuổi biết đi.
Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Journal of Child Psychology and Psychiatry.
Nhóm đã tiến hành nghiên cứu với hơn 2.000 cặp song sinh cùng trứng và khác trứng sinh năm 2007 tại Vương quốc Liên hiệp Anh. Các bậc cha mẹ trả lời các câu hỏi về hành vi ăn uống của con trong độ tuổi từ 16 tháng đến 13 tuổi.
Đa số các cặp song sinh cùng trứng đều có chung 100% vật chất di truyền, trong khi các cặp song sinh khác trứng thì không.
Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể so sánh ảnh hưởng của yếu tố di truyền và môi trường đến thói quen ăn uống ở cả hai nhóm và rút ra kết luận.
Xét về kén ăn, các nhà nghiên cứu nhận thấy những cặp song sinh khác trứng ít giống nhau hơn nhiều so với các cặp song sinh cùng trứng. Điều này chỉ ra rằng di truyền có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ lưỡng lự khi thử các loại thực phẩm mới.
Nghiên cứu cũng cho thấy chứng kén ăn có xu hướng lên đến đỉnh điểm khi trẻ 7 tuổi và thường giảm nhẹ khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên.
Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh nghiên cứu trên cho thấy chứng kén ăn ở trẻ chủ yếu là do yếu tố di truyền, chứ không phải do cách cha mẹ nuôi dạy con cái. Điều này phần nào đã trút được gánh nặng “tội lỗi’ cho các bậc cha mẹ khi chứng kén ăn thường gây ra nhiều căng thẳng cho trẻ em và gia đình.
Bà Abigail Pickard, một nhà nghiên cứu về tâm lý trẻ em tại Đại học Aston không tham gia nghiên cứu trên, cho biết chứng kén ăn khá phổ biến ở trẻ em. Một trong những nghiên cứu gần đây của bà cho thấy khoảng 16% trẻ em tại Anh từ 3-5 tuổi kén ăn và các yếu tố như tuổi tác, cách nuôi dưỡng của cha mẹ và văn hóa cũng đóng vai trò một phần.
Nhà nghiên cứu này cho rằng cha mẹ nên cố duy trì bầu không khí ăn uống thoải mái và tránh biến bữa ăn thành một cuộc chiến.
Những người chăm sóc nên làm gương cho thói quen ăn uống lành mạnh và tránh lấy đồ ăn ra làm phần thưởng để “dụ” trẻ ăn những món mà chúng không thích vì điều này có thể dẫn đến sự kết hợp thực phẩm tai hại.
Theo Vietnamplus