Chuyển dịch đầu tư giúp Việt Nam thúc đẩy phục hồi kinh tế

03/09/2021 - 14:24

Theo Trưởng bộ phận Nghiên cứu và cố vấn tổ chức tư vấn Asia House ở Anh, Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế và khả năng chống chịu trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm đại dịch COVID-19.

Sản xuất da giày xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong một nghiên cứu mới đây, bà Phyllis Papadavid, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và cố vấn tại tổ chức tư vấn Asia House có trụ sở tại London (Anh), chỉ ra rằng mặc dù thành công trong đối phó với khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư nhằm phục hồi kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó với những rủi ro mới.

Theo bà Phyllis Papadavid - một chuyên gia về kinh tế và chiến lược tài chính, Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế cũng như khả năng chống chịu trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm đại dịch COVID-19 hiện nay.

Chuyên gia kinh tế này dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết giá trị trao đổi thương mại (bao gồm hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam với nước ngoài tương đương 209% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020, chỉ đứng sau Singapore ở khu vực.

Điều này phản ánh sự cởi mở và hội nhập quốc tế sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.

Bà Papadavid chỉ ra rằng tự do hóa thương mại đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và ký các hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ và Anh.

Năm 2020, Việt Nam cũng ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Theo chuyên gia này, sự cởi mở của nền kinh tế đã giúp Việt Nam có khả năng chống chịu trong đại dịch COVID-19. Bất chấp những gián đoạn sản xuất từ việc tạm thời đóng cửa một số nhà máy do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020, cho thấy khả năng chống chịu và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong khủng hoảng của nước này.

Mặc dù đánh giá Việt Nam là câu chuyện thành công trong những thập kỷ qua và trong cuộc khủng hoảng hiện nay, bà Papadavid nhận định Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể là, những rủi ro về biến đổi khí hậu, suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chuyên gia này cho rằng mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần thúc đẩy các chính sách mới nhằm đối phó với những thách thức trên.

Bà Papadavid cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và các cú sốc về kinh tế.

Theo bà Papadavid, với vai trò quan trọng của FDI trong tăng trưởng kinh tế của đất nước, Việt Nam cần thúc đẩy thu hút FDI nhằm tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (AgTech), công nghệ sinh học, tự động hóa và công nghệ thông tin, vốn là nền tảng cho nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Ngoài ra, để xây dựng khả năng phục hồi, Việt Nam cần thu hút FDI để tái định hình nền kinh tế về mặt không gian thông qua việc tạo ra các cụm kinh tế mới ở các khu vực không thuộc ven biển và tạo ra cơ hội việc làm.

Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược tài trợ rủi ro toàn diện, theo đó cần xác định mức hỗ trợ tài chính phù hợp sau thiên tai cũng như các khoản nợ của chính phủ liên quan tới thiên tai, bởi đây là chìa khóa để quản lý chi phí phát sinh do thiên tai.

Chuyên gia này tin rằng những thành công về cải cách trong quá khứ là cơ sở để Việt Nam tự tin đối mặt với những thách thức trong tương lai./.

Theo Vietnam+