Chuyên gia gợi ý cách dùng giấy vệ sinh đúng cách để tránh nhiễm trùng

01/12/2023 - 15:15

Các nhà khoa học nhận định việc dùng giấy vệ sinh không đúng cách khiến chúng ta dễ bị nhiễm C.dificile - một loại vi khuẩn có khả năng gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và thậm chí là tử vong.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Mental Floss)

Từ lâu, mọi người đã tranh luận về việc giấy vệ sinh có nên được gấp lại hay sát khuẩn trước khi sử dụng hay không. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tốt hơn hết là bạn không nên sử dụng giấy.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, việc chuyển sang dùng Bidet - thiết bị thông minh giúp xịt rửa vùng dưới của người dùng ngay sau khi đi vệ sinh - là cần thiết. Bidet (vòi xịt vệ sinh) có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.

Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nước và Sức khỏe cho thấy lượng vi khuẩn khi bạn dùng giấy vệ sinh nhiều gấp 10 lần so với lượng vi khuẩn nếu bạn dùng Bidet.

Các nhà khoa học nhận định việc dùng giấy vệ sinh khiến chúng ta dễ bị nhiễm C.dificile - một loại vi khuẩn có khả năng gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và thậm chí là tử vong.

Thống kê cho thấy khoảng 500.000 người Mỹ bị nhiễm C.difficile mỗi năm, với 2/3 trong số đó là các trường hợp tại viện dưỡng lão. Căn bệnh này đã khiến 15.000-30.000 người tử vong mỗi năm ở Mỹ.

Tiến sỹ Evan Goldstein - bác sỹ phẫu thuật trực tràng ở New York cũng chỉ ra việc sử dụng Bidet có tác dụng kiểm soát nhiễm trùng tốt hơn nhiều so với giấy vệ sinh.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến giấy vệ sinh, các chuyên gia cho biết cách mọi người sử dụng giấy cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng.

Giấy vệ sinh một lớp bình thường có bề mặt thô ráp hơn so với các loại giấy vệ sinh đắt tiền. Nó có thể gây ra các vết thương hở, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tiến sỹ Trisha Pasricha - bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston cho rằng giấy vệ sinh một lớp rất mỏng và việc chà xát nhiều lần với loại giấy thô này có thể dẫn đến cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Giấy vệ sinh bị tẩy trắng cũng có thể gây khó chịu. Các chuyên gia khuyên dùng loại khăn giấy vệ sinh thấm hút, mềm mại.

Một nghiên cứu ở Canada liên quan đến một phụ nữ bị nhiễm trùng vùng kín trong vòng bốn năm đã khiến cô đi lại khó khăn. Tuy nhiên khi đi du lịch châu Âu, cô đã sử dụng giấy vệ sinh không tẩy trắng, sau đó cô không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Tiến sỹ Pasricha gợi ý bạn nên dùng khăn giấy chấm nhẹ nhàng lên da thay vì lau chùi mạnh khiến da bị tổn thương.

“Vùng hậu môn cần được làm sạch sau khi đi vệ sinh, tuy nhiên việc này cần làm nhẹ nhàng. Chà xát mạnh đặc biệt bằng xàphòng hoặc các chất tẩy rửa da khác có thể gây kích ứng và ngứa hậu môn” - các bác sỹ tại Trường Y Harvard cho biết.

Việc lau từ phía trước ra phía sau cũng rất quan trọng, đặc biệt với phụ nữ. Điều này là do vi khuẩn trong chất thải có khả năng xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Viện Y tế Quốc gia coi việc lau đúng chiều là một trong những cách tốt nhất để phụ nữ tránh nhiễm trùng. Gần 1/3 phụ nữ bị nhiễm trùng ít nhất một lần và cần dùng thuốc kháng sinh sau khi bước sang tuổi 24.

Theo các bác sỹ tại Trung tâm Tiết niệu Florida, nam giới cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu mặc dù không thường xuyên.

Một mẹo quan trọng khác là đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước. Một nghiên cứu chỉ ra việc không đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước có thể làm lây lan vi khuẩn C.difficile gấp 12 lần.

Theo Vietnamplus