Sử dụng thiết bị bay phun thuốc cho vườn trái cây tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học trình bày thực trạng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch trái cây và định hướng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cơ giới hóa tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ đồng bộ trong sản xuất trái cây bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long, ứng dụng cơ giới hóa để giảm tổn thất trong sản xuất và thu hoạch trái cây; thực trạng, giải pháp phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất trái cây tại tỉnh Tiền Giang…
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đạt tỷ lệ khá cao; trong đó, trồng trọt đạt từ 70-100%, chăn nuôi đạt từ 55-90%....
Cơ giới hóa sản xuất trái cây gồm: Chuẩn bị đất trồng lên liếp, trồng; phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, vun xới đất, làm cỏ, bón phân; bao trái cây, cắt cành, tỉa nhánh; thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản.
Người dân xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) dùng máy cắt cỏ trong vườn cây ăn trái.
Năm 2021, cả nước có 1,18 triệu ha cây ăn quả. Sản lượng một số trái cây chủ lực như: Xoài 940 nghìn tấn; thanh long gần 1,4 triệu tấn; bưởi 992 nghìn tấn; vải 374 nghìn tấn; sầu riêng 664 nghìn tấn; dứa hơn 733 nghìn tấn... Xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD.
Trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cần phải tăng cường sử dụng, ứng dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch trái cây.
Theo NGUYỄN SỰ (Nhân Dân)